Thứ Sáu, 04/11/2022 11:15

Doanh nghiệp tìm nơi sản xuất ngoài Trung Quốc vì chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt

Việc Trung Quốc quyết định duy trì các biện pháp kiểm soát COVID đã đẩy các công ty tìm tới các nhà máy bên ngoài, theo The Economist Intelligence Unit (EIU).

“Theo thông tin nhận được, các công ty đang đẩy mạnh kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì kinh tế Trung Quốc gián đoạn liên hồi do các biện pháp kiểm soát dịch”, ông Nick Marro, Trưởng bộ phận thương mại toàn cầu của EIU, cho biết.

“Nếu Trung Quốc thường xuyên đóng/mở kinh tế và khiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, điều này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các công ty. Chúng tôi không cho rằng các doanh nghiệp sẽ rời khỏi Trung Quốc, nhưng sẽ đa dạng hóa sản xuất. Chiến lược này được gọi là Trung Quốc+1”.

Trước đây, các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt đã giúp Trung Quốc nối loại hoạt động kinh tế trong khi phần còn lại của thế giới vật lộn với đại dịch trong năm 2020. Tuy nhiên, khi các nước nới lỏng hầu hết các hạn chế và chọn cách “sống chung với COVID”, Bắc Kinh lại tăng cường các yêu cầu xét nghiệm và hình thức kiểm soát rộng rãi.

Giới chức Trung Quốc đã cố gắng duy trì hoạt động tại các nhà máy quan trọng, bằng cách để người lao động sống và làm việc tại cùng một địa điểm, hoặc họ có thể đi lại giữa nhà ở và nơi làm.

Đợt bùng phát mới đây tại nhà máy Foxconn – nhà cung cấp chính của Apple – phơi bày rõ các thách thức đối với doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động sản xuất và đồng thời, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Marro nhận xét: “Chúng ta không thể đưa ra kết luận chỉ từ một trường hợp. Nhưng tình hình của nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu rất đáng chú ý bởi nó cho thấy sự đổ vỡ của hệ thống chống dịch”.

Cuối tuần trước, một số công nhân Foxconn ở Trịnh Châu đã tháo chạy khỏi nhà máy sau nhiều ngày chịu đựng cảnh phong toả. Sau đó, giới chức địa phương đã thông báo kế hoạch hỗ trợ các công nhân muốn nghỉ việc và quay về quê nhà.

Foxxcon không bình luận về thông tin trên.

Ông Patrick Chen, Giám đốc nghiên cứu của công ty đầu tư CLSA bình luận: “Nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách chống dịch thì chắc chắn chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm những trường hợp tương tự”. Nhưng ông không tin sẽ có sự thay đổi chính sách trừ khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên.

“Theo tôi, không có quá nhiều chi phí phát sinh từ việc sản xuất hay quản trị khép kín. Nhưng chắc chắn hệ thống đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên hoặc chất lượng tổng thể của sản phẩm”, ông đánh giá.

Gần đây Foxconn đã thông báo sẽ tăng tiền thưởng hàng ngày cho các nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà máy ở Trịnh Châu. Ông Chen cho biết mức lương công nhân hàng tháng tại những nhà máy như của Foxconn là khoảng 1,000 USD.

Nhu cầu yếu làm giảm bớt tác động

Mặc dù nhà máy ở Trịnh Châu của Foxconn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất iPhone, nhưng ông Chen cho biết nhu cầu yếu về iPhone đã giúp làm giảm tác động của sự gián đoạn dây chuyền sản xuất.

Thị trường smartphone toàn cầu quý 3 đã sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, Apple vẫn trụ vững và tăng trưởng nhẹ, theo Counterpoint Research.

Trong năm 2022, 19% công ty tham gia khảo sát cho biết đang giảm đầu tư vào Trung Quốc, gần gấp đôi mức 10% của năm 2021.

Những lý do được nhắc tới nhiều nhất là do các đợt phong tỏa vì COVID, hạn chế đi lại và gián đoạn chuỗi cung ứng. “Niềm tin đã bị lung lay”, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải cho biết.

Theo khảo sát của AmCham Thượng Hải, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc là lý do hàng đầu khiến 30% công ty tham gia khảo sát muốn tăng cường đầu tư vào nước này. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với 38% của năm ngoái.

Ông Chen cho biết khi việc vận hành các cơ sở kinh doanh quy mô lớn ở Trung Quốc trở nên tốn kém hơn, các công ty công nghệ đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất những sản phẩm đơn giản hơn sang nơi khác.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Apple khó có thể tìm được 200,000 đến 300,000 công nhân – tương tự lượng lao động tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu – để sản xuất iPhone bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ là trường hợp ngoại lệ.

Hồi tháng 9, Apple thông báo đã bắt đầu sản xuất mẫu điện thoại mới nhất là iPhone 14 ở Ấn Độ, đánh dấu một thay đổi lớn. Nhưng các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán rằng Apple sẽ chỉ chuyển khoảng 5% công suất sản xuất iPhone 14 đến Ấn Độ trong năm nay.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp ngoại đầu tư thêm vào ngành sản xuất và những lĩnh vực cụ thể khác như phim hoạt hình và sản xuất bia.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ triển khai tới đâu, nhất là khi Bắc Kinh vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc khống chế dịch.

Ông Marro nói: “Doanh nghiệp ngoại muốn có mặt tại Trung Quốc. Chúng ta có thể tin lời những công ty vẫn đang ở lại Trung Quốc rằng họ quyết tâm gắn bó với thị trường này. Những doanh nghiệp đó đang chờ đợi tín hiệu cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô và vận hành sẽ được cải thiện. Nhưng vấn đề là những tín hiệu doanh nghiệp mong ngóng vẫn chưa xuất hiện. Sau cùng, tương lai khó lường vẫn là rắc rối lớn nhất đối với các nhà đầu tư”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Singapore tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu (03/11/2022)

>   NHTW Anh nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, mạnh nhất trong 33 năm (03/11/2022)

>   Tesla đóng cửa showroom đầu tiên ở Bắc Kinh (03/11/2022)

>   Fed nâng tiếp 75 điểm cơ bản, báo hiệu có thể điều chỉnh cường độ nâng lãi suất (03/11/2022)

>   Thập kỷ hoàng kim của giới công nghệ ở ASEAN sắp kết thúc? (05/11/2022)

>   Trung Quốc phong tỏa một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn (02/11/2022)

>   Chờ gì từ cuộc họp Fed lần này? (02/11/2022)

>   Nhiều chuyên gia Phố Wall dự báo chu kỳ nâng lãi suất toàn cầu sắp kết thúc (01/11/2022)

>   Lạm phát Eurozone lập kỷ lục mới 10.7% (31/10/2022)

>   Goldman Sachs dự báo Fed nâng lãi suất lên 5% vào tháng 3/2023 (31/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật