Dầu sụt hơn 3% do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc và lãi suất Mỹ tăng
Giá dầu sụt hơn 3% vào ngày thứ Năm (17/11), với nhu cầu đóng băng bởi số ca nhiễm Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lo ngại Mỹ nâng lãi suất mạnh hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 2.81 USD (tương đương 3%) xuống 90.05 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 3.54 USD (tương đương 4.1%) còn 82.05 USD/thùng.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, nhận định: “Đây là tác động từ 3 phía. Chúng tôi nhận thấy số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc, lãi suất tiếp tục tăng cao ở Mỹ và giờ đây chúng tôi đang chứng kiến sự yếu kèm về mặt kỹ thuật trên thị trường”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết theo một quy tắc chính sách tiền tệ cơ bản, lãi suất phải được nâng lên ít nhất 5%, trong khi các giả định chặt chẽ hơn khuyến nghị lãi suất cao hơn 7%.
Đồng USD cũng tăng khi nhà đầu tư đánh giá dữ liệu kinh tế Mỹ. Đồng USD mạnh hơn là dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Trung Quốc đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày gia tăng và các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã yêu cầu giảm khối lượng dầu thô của Ả-rập Xê-út trong tháng 12, Reuters đưa tin, đồng thời cũng giảm mua dầu thô Nga.
Trong khi số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc thấp hơn so với các quốc gia khác, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế gới này vẫn duy trì các chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn các đợt bùng phát sớm, qua đó làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Về mặt kỹ thuật, hợp đồng dầu WTI đã rớt mức trung bình động 50 ngày (MA50), dẫn đến việc các quỹ thanh lý.
Trong khi đó, Ba Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày thứ Tư (16/11) cho biết một tên lửa rơi vào nước này có thể là do hệ thống phòng không của Ukraine bắn chứ không phải một cuộc tấn công của Nga, làm giảm bớt lo ngại cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể mở rộng.
Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Rất may, những lo ngại đó đã giảm bớt và tình hình đã giảm leo thang. Trung Quốc vẫn là một rủi ro giảm giá đối với dầu trong ngắn hạn”.
Dầu nhận được hỗ trợ từ số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo.
Nguồn cũng cũng đang khan hiếm trong tháng 11 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, thực hiện các biện pháp kiểm soát sản lượng mới nhất để hỗ trợ thị trường.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|