Bộ Công thương đưa giải pháp gì cho thị trường xăng dầu trong thời gian tới?
Sáng 15.11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tình hình thị trường xăng dầu trong nước, đưa ra một số giải pháp của Bộ trong thời gian tới tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo tổ chức.
Theo Bộ Công thương, dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia cho thấy, tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có một số giải pháp như sau:
Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.
Thứ 2 là rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021 ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014 ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
|
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho biết một số biện pháp Bộ đã triển khai trong thời gian qua nhằm đảm bảo nguồn cung. Ngoài việc phối hợp với Bộ Tài chính, địa phương để điều hành, Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chủ động nguồn cung hàng, có phương án nhập khẩu để bù nguồn thiếu hụt (giai đoạn nhà máy Nghi Sơn sản xuất không ổn định), áp dụng chiết khấu hợp lý, hỗ trợ điều phối, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đặt mua theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực thiếu cục bộ...
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết đã khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung, hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường "một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định".
Theo kế hoạch và việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu năm 2022, năm 2022, nguồn Bộ Công thương phân giao cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 19,9 triệu m3/tấn. Trong đó, hạn mức nhập khẩu tối thiểu là 4,9 triệu m3/tấn và hạn mức mua trong nước là 15 triệu m3/tấn (sản xuất và pha chế).
Trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng nhập khẩu đã đạt 7,1 triệu m3/tấn, bằng 140% so kế hoạch cả năm. Sản xuất trong nước đạt 10,4 triệu m3/tấn, bằng 70% kế hoạch cả năm. Tổng cộng, sản lượng tính hết tháng 10 cả nhập khẩu và sản xuất trong nước lên đến 17,5 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch cả năm.
Nguyên Nga
Thanh niên
|