Dầu sụt hơn 3.5% khi số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng mạnh
Giá dầu xoá sạch đà tăng đầu phiên và giảm mạnh vào ngày thứ Hai (14/11), do đồng USD mạnh hơn và số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã làm tan vỡ hy vọng tái mở cửa nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Các hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đã tăng gần 1% vào đầu phiên, tuy nhiên, sau đó đảo chiều và suy giảm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 3.44 USD (tương đương 3.58%) xuống 92.55 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 3.78 USD (tương đương 4.25%) còn 85.18 USD/thùng.
Warren Patterson, Trưởng phòng chiến lược hàng hoá tại ING, nhận định: “Sức mạnh của đồng USD dường như đang gây áp lực cho giá dầu và các hàng hoá khác vào chiều nay”.
Giá các hàng hoá tăng vào ngày 11/11 sau khi Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 để rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm và khách du lịch nội địa, đồng thời loại bỏ hình phạt đối với các hãng hàng không vì chở hành khách nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tăng ở Trung Quốc vào cuối tuần qua, với Bắc Kinh và các thành phố lớn khác báo cáo số ca nhiễm cao kỷ lục vào ngày thứ Hai.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc từ quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Ả-rập Xê-út, cũng vẫn yếu do một số nhà máy lọc dầu đã yêu cầu lấy ít dầu thô hơn trong tháng 12/2022.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào ngày 11/11 cho biết rằng Ấn Độ có thể tiếp tục mua bao nhiêu dầu của Nga tuỳ thích, kể cả mức giá cao hơn trần giá do G7 áp đặt, nếu nước này không sử dụng các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và hàng hải của phương Tây để thực hiện các giao dịch đó.
Đồng USD mạnh hơn sau những nhận định từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, cũng gây áp lực lên giá dầu. Ông Waller cho biết vào ngày 13/11 rằng Fed có thể xem xét giảm tốc độ nâng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, tuy nhiên, điều đó không nên được xem là “sự mềm mỏng” trong cam kết giảm lạm phát.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|