Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
|
Phương án 1: Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài.
Tiền và tài sản hợp pháp khác theo quy định gồm:
a) Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật;
b) Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;
c) Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm;
d) Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;
đ) Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều này;
e) Lợi nhuận thu được từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để tái đầu tư; chi phí thu hồi, lợi nhuận trả cho đối tác gánh vốn theo phương án đầu tư;
g) Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi (bao gồm các khoản thu hồi nợ gốc của hợp đồng nhận nợ) và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.
Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án dầu khí của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Phương án 2: Vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
2 phương án đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất 2 phương án đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phương án 1: Đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp sử dụng vốn góp tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này trước, sau đó thực hiện thủ tục tăng vốn và góp đủ vốn điều lệ tại Việt Nam trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
Phương án 2: Đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Nhật Quang
FILI
|