Đông Nam Á là lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Đức muốn dịch chuyển sản xuất
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về quan hệ năng lượng và thương mại với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tới Việt Nam ngày 13/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức trong hơn 10 năm qua.
Việc ông Scholz dừng chân tại Việt Nam trên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia, cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện bên ngoài Trung Quốc – trung tâm sản xuất chính của họ ở châu Á.
Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Scholz cho biết Berlin muốn thiết lập quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội.
Việt Nam và Singapore là hai quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Vì vậy, đây cũng là hai đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.
Theo công ty luật Dezan Shira, Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước EU sau Hà Lan, với giá trị hàng hoá đạt 7.8 tỷ USD vào năm ngoái. Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, AHK, cho biết có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại đây. Trong đó có phải kể đến công ty Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.
Theo người đứng đầu AHK ở Việt Nam, Marko Wald, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức đang tìm cách chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi vốn có 5.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động. Ông cho biết hơn 90% doanh nghiệp Đức có kế hoạch dịch chuyển sản xuất xem Đông Nam Á là lựa chọn ưu tiên của họ, trong đó, Việt Nam và Thái Lan là những địa điểm được yêu thích trong khu vực.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|