Thứ Hai, 10/10/2022 10:00

VN-Index: Quan sát tín hiệu đảo chiều

Các tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn như mẫu hình nến, khối lượng, chỉ báo Momentum nếu sử dụng riêng lẻ có thể tạo ra những tín hiệu không chính xác về khả năng đảo chiều trong xu hướng. Tuy nhiên, nếu được kết hợp những chỉ báo này cùng nhau có thể chỉ ra những giai đoạn đảo chiều với độ tin cậy cao hơn.

Xu hướng điều chỉnh trong trung hạn

Xu hướng điều chỉnh của chỉ số VN-Index bắt đầu từ tháng 04/2022 khi chỉ số cắt xuống các đường trung bình quan trọng, đồng thời phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1,450 điểm ở thời điểm đó. Đây là những tín hiệu xác nhận cho xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.

Bên cạnh đó, từ tháng 09/2022 đến nay, chỉ số cũng điều chỉnh mạnh dưới các ngưỡng tâm lý quan trọng như 1,200 điểm và 1,100 điểm. Thêm vào, đã xuất hiện một đáy mới thấp hơn (thấp hơn đáy tháng 07/2022). Những tín hiệu này hàm ý về sự điều chỉnh trong trung hạn.

Với xu hướng điều chỉnh trong ngắn và trung hạn, thị trường có thể xuất hiện những giai đoạn tăng trưởng. Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng thường diễn ra ngắn do bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm trung hạn. Do đó, việc giao dịch/ mở vị thế trong những giai đoạn như vậy không được khuyến khích với đại đa số nhà đầu tư khi rủi ro thua lỗ khá lớn. Chỉ những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn mới chấp nhận được rủi ro cao có thể đầu tư vào những giai đoạn phục hồi như vậy.

Người viết không khuyến khích nhà đầu tư bắt đáy trong giai đoạn hiện tại do rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một số tín hiệu đảo chiều có thể giúp nhà đầu tư phân tích tốt hơn về diễn biến của thị trường trong những khung thời gian lớn và có thể chuẩn bị nguồn lực khi xu hướng tăng trong trung hạn quay trở lại.

Các tín hiệu đảo chiều điển hình có thể kể đến như sau: các mẫu hình nến đảo chiều, sự bất thường trong khối lượng, các tín hiệu từ nhóm chỉ báo momentum… đây là những tín hiệu có thể dễ dàng nhận biết nhất.

Mẫu hình nến đảo chiều

Đầu tiên là các mẫu hình đảo chiều từ nến Nhật (candlesticks). Khác với những mẫu hình đảo chiều trên khung thời gian lớn như vai đầu vai, hai đỉnh, ba đáy thường được hình thành trên đồ thị ngày từ vài tháng trở lên thì các mẫu hình nến lại gồm một hoặc một vài cây nến, số lượng nến sẽ không quá 5 cây. Đặc điểm của dạng tín hiệu này là thường chỉ sau 1 phiên giao dịch chúng ta có thể nhận biết được mẫu hình nến hình thành và dự báo được sự đảo chiều của thị trường.

Mẫu hình của các cây nến thường rất đa dạng, nhưng với thị trường Việt Nam, các mẫu hình nến đảo chiều có thể xoay quanh 2 dạng chính (1) nhóm mẫu hình có cây nến tăng mạnh gồm: phần thân nến dài và vượt qua 50% của cây nến trước (mẫu hình đường xuyên phá - piercing line pattern) hoặc cây nến sau bao phủ cây nến giảm trước đó (bullish engufling), nhóm này rất hay diễn ra, xuất hiện vào đáy tháng 06/2019, 01/2021, 03/2020, 05/2022... (2) Nhóm các mẫu hình nến thân nhỏ với phần bóng mờ bên dưới dài (mẫu hình Hammer, Dragonfly Doji) có thể nhìn thấy ở đáy 03/2021, 06/2020… nhóm này ít xuất hiện hơn nhóm (1).

Mẫu hình nến đảo chiều

Nguồn: Tradingview.com

Các mẫu hình này được dùng để phân tích tâm lý của bên mua và bán trong phiên, nên thường sẽ chỉ ra các tín hiệu đảo chiều của thị trường (có thể) ngay tại phiên hôm đó. Tuy nhiên, đặc điểm của nhóm này là có độ tin cậy không cao, do đó nên được phân tích chung với các tín hiệu khác như khối lượng hoặc nhóm chỉ báo Momentum. Nếu nhiều mẫu hình đảo chiều cùng xuất hiện trong một thời gian ngắn sẽ làm tín hiệu đảo chiều trở nên mạnh hơn so với một mẫu hình đơn lẻ.

Khối lượng

Sự bất thường trong khối lượng có thể là một tín hiệu đảo chiều quan trọng. Theo phân tích kỹ thuật nếu khối lượng có sự bất thường (cao đột biến hoặc thấp đột biến) đều có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng hiện tại có thể thay đổi. Khi khối lượng đột biến kèm theo một phiên tăng trong xu hướng giảm, điều đó có nghĩa là dòng tiền bắt đáy đang có xu hướng chảy vào thị trường với sự tham gia của dòng tiền “lớn” hàm ý rằng các “tay chơi” đang quay lại, và đang kỳ vọng xu hướng điều chỉnh sẽ kết thúc. Sự đột biến khối lượng có thể tìm thấy ở các đáy tháng 05/2022, 02/2018…

Ngược lại, khối lượng thấp bất thường có thể hàm ý về sự chán nản của bên mua và bên bán. Bên bán không muốn bán ra cổ phiếu của mình nữa và bên mua cũng không cần mở thêm những vị thế mới. Lúc này thị trường sẽ quay về trạng thái cân bằng và chỉ cần một lực cầu phù hợp (không cần quá lớn) cũng có thể đẩy thị trường tăng trưởng.

Sự bất thường trong khối lượng có thể là tín hiệu cho thấy sự đảo chiều, tuy nhiên, không phải sự bất thường nào trong khối lượng cũng dẫn đến sự đảo chiều. Ví dụ, khi thị trường bắt đầu điều chỉnh thì khối lượng sẽ có xu hướng gia tăng, và khi thị trường điều chỉnh được một thời gian thì khối lượng sẽ có xu hướng thấp trở lại. Vì thế, nếu chỉ sử dụng khối lượng rất khó để xác định đáy. Chúng ta có thể sử dụng thêm các mẫu hình nến đảo chiều để tăng độ tin cậy cho tín hiệu đảo chiều.

Nhóm chỉ báo Momentum

Nhóm chỉ bảo Momentum là tập hợp các chỉ báo tính toán sức mạnh tương đối/thay đổi của giá, nổi bật nhất trong nhóm này là chỉ báo RSI, Stochastics… Chúng ta thường sử dụng phân kỳ hoặc tín hiệu giao cắt để chỉ về khả năng đảo chiều trong xu hướng. Ví dụ: (1) Sự phân kỳ giữa chỉ số VN-Index và chỉ báo RSI hàm ý về khả năng hình thành đáy trong tháng 07/2022. (2) Chỉ báo Stochastics cho tín hiệu mua quanh thời điểm đáy tháng 07/2022.

Chỉ số VN-Index và chỉ báo RSI, Stochastics

Tuy nhiên, các tín hiệu từ nhóm Momentum nên được xem là các tín hiệu xác nhận cho sự đảo chiều chứ không nên được sử dụng là tín hiệu đảo chiều do độ nhiễu của nhóm này. Theo đó, các tín hiệu của nhóm Momentum có độ tin cậy không cao và khó chỉ ra được thời gian đảo chiều chính xác của thị trường. Vì thế, rất dễ mắc sai lầm khi giao dịch theo nhóm này (xem thêm bài viết Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum).

Các tín hiệu đảo chiều được chỉ ra trong bài viết nếu sử dụng riêng lẻ thì độ chính xác sẽ không cao. Do đó, chúng cần được kết hợp lại với nhau để có thể tạo ra được tín hiệu có độ chính xác cao hơn như tháng 05/2022 và 07/2022 khi Stochastics cho tín hiệu mua, RSI tạo phân kỳ, khối lượng ở mức thấp và xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều thì một đáy ngắn hạn đã xuất hiện.

Một lần nữa, người viết lưu ý rằng việc giao dịch theo các tín hiệu này sẽ có rủi ro cao nên sẽ không phù hợp với đa số nhà đầu tư.

Trần Trương Mạnh Hiếu- Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 10 - 14/10: Chưa vội bắt đáy? (09/10/2022)

>   SSI Research: VN-Index có thể hồi phục từ nền hỗ trợ cứng 1,000 điểm (07/10/2022)

>   VinaCapital: Cổ phiếu Việt Nam đang bị định giá rẻ (07/10/2022)

>   Góc nhìn 07/10: Áp lực bán vẫn chiếm ưu thế? (06/10/2022)

>   VinaCapital: Thị trường chứng khoán vẫn rất tích cực trong dài hạn (06/10/2022)

>   VNDirect: VN-Index đang cung cấp biên an toàn về định giá (06/10/2022)

>   Góc nhìn 06/10: Áp lực rung lắc? (05/10/2022)

>   VDSC: VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1,050-1,150 điểm (05/10/2022)

>   Góc nhìn 05/10: Tiếp tục giảm điểm? (04/10/2022)

>   Chứng khoán tháng 10 sẽ tiếp tục tiêu cực? (05/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật