Thứ Sáu, 14/10/2022 09:58

Tin đồn và tính hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam

Một tháng qua là khoảng thời gian đầy khó khăn và áp lực với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhiều người không hiểu vì sao giá cổ phiếu của ngân hàng, và đặc biệt là một số mã chứng khoán, bị cắm đầu cho đến khi thông tin về tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị có liên quan được công bố chính thức. Điều này là một minh chứng bổ sung thêm cho trạng thái hiệu quả kém (weak form) của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có những tin đồn ở thị trường Việt Nam sau đó đều đúng. Ảnh: LÊ VŨ

Lợi thế về thông tin

Lý thuyết về thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis, EMH) được phát triển bởi GS. Eugene Fama, người được coi là cha đẻ của tài chính hiện đại, cho rằng thị trường chứng khoán tồn tại dưới ba dạng: yếu (weak), mạnh một phần (semi-strong), và mạnh (strong). Theo đó, ở trạng thái yếu thì có những thông tin ảnh hưởng đến giá chứng khoán nhưng công chúng lại chưa được biết, và đây là lợi thế của một số ít người. Trạng thái mạnh một phần thì thông tin được phản ánh ngay lập tức vào giá của chứng khoán và trạng thái mạnh thì giá đã phản ánh toàn bộ thông tin ở trong đó.

Vào tuần đầu tháng 9, khi thị trường xấu chung thì việc giảm giá của cổ phiếu ngân hàng cũng không tạo ra nghi ngờ gì, vì tỷ trọng của ngành ngân hàng cũng khá lớn trong chỉ số VN-Index. Tuy nhiên những ngày sau đó thì tốc độ giảm của ngành ngân hàng dường như bị mất kiểm soát. So với thời điểm cao nhất gần nhất, chỉ số của ngành ngân hàng giảm 33,4% trong khi VN-Index giảm 23,4%.

Cùng với đà giảm mạnh của cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt trong đó có một số cổ phiếu còn bị giảm mạnh hơn trung bình của ngành, thì bắt đầu có những tin đồn râm ran từ những người thạo tin thị trường, rồi tin đồn được lan ra từ từ theo kiểu truyền tai, qua các nhóm kín. Những người có lợi thế về thông tin dĩ nhiên là những người kịp bán sớm hay còn gọi là thoát hàng, hoặc thậm chí có những người còn “bán khống” để thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Khi tin đồn trở thành sự thật

Có một điều lạ mà quen ở thị trường Việt Nam là có nhiều tin đồn sau đó đều đúng, đặc biệt là những sự kiện lớn và quan trọng. Và như vậy thì sức ảnh hưởng của tin đồn ngày càng lớn và hệ lụy của nó càng khó kiểm soát. Chẳng hạn như mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã trấn an nhưng không ít người dân gửi tiền ở Ngân hàng SCB vẫn rút tiền, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc điều hành quản lý thị trường ngân hàng.

Khi tin đồn có giá trị thì sẽ có những trường hợp lợi dụng tạo tin giả để trục lợi, và điều này dễ xảy ra trong thị trường chứng khoán, nhất là vào những giai đoạn thị trường tăng trưởng. Chẳng hạn khi nhà đầu tư tin tưởng ở tin đồn thì có những trường hợp bơm tin tích cực để thổi giá chứng khoán, khiến cho nhiều nhà đầu tư xuất hiện tâm lý FOMO (cảm xúc chi phối hoàn toàn hành động), và cuối cùng là nhận đủ hậu quả. Việc tung tin còn ở nhiều mức độ tinh vi như tung tin từ nhiều nguồn khác nhau, cùng một thời điểm để nhà đầu tư không nghi ngờ, tin rằng đây là thông tin đúng.

Trong bối cảnh thị trường bị thiếu thanh khoản như hiện nay thì niềm tin là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu niềm tin bị sụt giảm ở thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng thì hệ lụy sẽ là rất lớn khi nguồn vốn nhàn rỗi sẽ tìm những nơi trú ẩn khác. Khi đó, vấn đề sẽ trở thành cấp tính và liều thuốc cần có phải mạnh và đắng hơn.

Bất cân xứng thông tin và giao dịch nội gián là vấn đề thường gặp ở những thị trường chứng khoán còn sơ khai hay đang phát triển, và điều này là một rào cản lớn để thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vốn cũng như sự phát triển của một nền kinh tế.

Khi tin đồn còn đất dụng võ thì niềm tin vào thị trường, vào các cơ quan quản lý nhà nước sẽ còn bị bào mòn. Lợi ích có được từ trạng thái yếu của thị trường chứng khoán chỉ dành cho một số ít người trong khi đó thiệt hại của xã hội là lớn hơn rất nhiều.

Các giải pháp cải thiện tính hiệu quả của thị trường đã có, và đã được thực hiện ở các thị trường phát triển, dù không ở trạng thái hiệu quả mạnh hoàn hảo nhưng cũng đã tạo được niềm tin ở nhà đầu tư, ở thị trường rằng những trục lợi từ thị trường là không thể tránh được, nhưng luôn có cơ chế giám sát, và xử lý rất mạnh nếu bị phát hiện.

Trong bối cảnh thị trường bị thiếu thanh khoản như hiện nay thì niềm tin là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu niềm tin bị sụt giảm ở thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng thì hệ lụy sẽ là rất lớn khi nguồn vốn nhàn rỗi sẽ tìm những nơi trú ẩn khác. Khi đó, vấn đề sẽ trở thành cấp tính và liều thuốc cần có phải mạnh và đắng hơn.

Giải Nobel kinh tế 2022 vừa được trao cũng có một phần liên quan đến vai trò của hệ thống ngân hàng, khủng hoảng tài chính và tin đồn. Tin đồn nếu không được kiểm soát thì rất có thể một đám cháy to chỉ bắt đầu từ một tàn lửa nhỏ. Và hơn hết, nếu thiếu vắng niềm tin thì không thể phát triển bền vững và lâu dài được.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 14/10: Chưa tạo đáy? (13/10/2022)

>   Góc nhìn 13/10: Mở rộng nhịp hồi phục? (12/10/2022)

>   VNDirect: Áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ gia tăng từ quý 4 (12/10/2022)

>   Góc nhìn 12/10: Các tín hiệu tạo đáy vẫn mờ nhạt (11/10/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ nửa cuối năm 2022, có thể đạt 24,400 đồng (11/10/2022)

>   TPS: Đà giảm sẽ chững lại và VN-Index sẽ có nhịp hồi phục trong ngắn hạn (11/10/2022)

>   Góc nhìn 11/10: Cơ hội đầu tư dài hạn? (10/10/2022)

>   Kỳ vọng nào ở PHR, VSC và PLX? (10/10/2022)

>   VN-Index: Quan sát tín hiệu đảo chiều (10/10/2022)

>   Góc nhìn tuần 10 - 14/10: Chưa vội bắt đáy? (09/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật