Sở Công Thương TP.HCM: Một số cây xăng vẫn hết hàng
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng đến nay trên địa bàn TP vẫn còn một số cây xăng hết hàng cục bộ, do phụ thuộc nhiều vào các đơn vị phân phối, vận tải.
10 ngày sau cuộc khủng hoảng xăng dầu ở TP.HCM, một số cây xăng tiếp tục treo biển hết hàng, tạm ngưng bán. Ảnh: Diệu Thanh.
|
Trả lời phản ánh của chúng tôi tại họp báo chiều 20/10, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhìn nhận dù tình hình cung ứng xăng dầu hiện nay đã đỡ hơn trước nhưng khó khăn vẫn còn, chủ yếu về nguồn cung, do chịu ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới và nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Ông thừa nhận trên địa bàn TP đến nay vẫn còn một số cây xăng treo bảng "hết hàng". Thực tế, ghi nhận của chúng tôi cho thấy tình trạng này đang diễn ra ở cả các khu vực đông dân cư như Bình Thạnh, Gò Vấp... lẫn các quận, huyện, TP vùng ven như Hóc Môn, quận 12, TP Thủ Đức..., dù số lượng cửa hàng gặp khó khăn không nhiều như trước.
Khẳng định trước báo chí, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM một lần nữa đánh giá đây là vấn đề thiếu hụt cục bộ, chỉ diễn ra ở một số cửa hàng tư nhân do phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp phân phối, vận tải. Với các doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực tài chính và chuỗi cung ứng tốt, việc duy trì bán hàng liên tục được đảm bảo.
"Sở Công Thương và các cơ quan chức năng đang cố gắng cùng các doanh nghiệp cố gắng đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường", ông nhấn mạnh.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM trả lời tại họp báo chiều 20/10. Ảnh: T.N.
|
Sau một tuần TP.HCM rơi vào khủng hoảng xăng dầu, đến ngày 12/10 đã có khoảng 67,8% cửa hàng hoạt động trở lại. Theo cập nhật mới nhất đến 14h chiều 13/10, số cửa hàng xăng dầu bị gián đoạn cung ứng trên địa bàn tiếp tục giảm còn khoảng một nửa so với ngày 12/10.
Mới đây, trong buổi làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - TP.HCM thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Saigon), đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cho biết khu vực phía Nam có 1/19 doanh nghiệp đầu mối không thực hiện nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời, 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.
Đơn vị này yêu cầu các đơn vị chức năng thống kê, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định ngay trong tháng 10. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép vĩnh viễn của doanh nghiệp đầu mối, phân phối và kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện nhập khẩu, dự trữ theo đúng quy định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương cùng ngày đã có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề xuất rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Với nguồn cung trong nước, cơ quan này cũng yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất ở mức tối đa, đặc biệt là sản lượng mặt hàng xăng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, các nhà máy cần có biện pháp hỗ trợ giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký. Với các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy, doanh nghiệp sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Lan Anh
ZING
|