Thứ Hai, 17/10/2022 08:13

Phân tích, dự báo vĩ mô bị… lỗi nhịp

Ngày 23-9-2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tăng các lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm. Trước việc này, nhiều tổ chức nghiên cứu, phân tích vĩ mô, thị trường đã tỏ ra bất ngờ, lúng túng, bởi các phân tích, dự báo trước đó của họ đã nhận định NHNN không tăng lãi suất trong năm nay hoặc trước quí 4, và nếu có, sẽ chỉ tăng ở mức khiêm tốn, không đến 1 điểm phần trăm như đã thấy.

Hầu như không có báo cáo nào dự báo chính xác NHNN sẽ tăng lãi suất ngay trong quí 3, và, nếu có, thì ở mức độ 1 điểm phần trăm này.

Chẳng hạn, Maybank dự báo Việt Nam chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect “có đôi chút bất ngờ” về mức tăng 1 điểm phần trăm, cao hơn so với dự báo trước đó của tổ chức này là 0,5 điểm phần trăm cho năm 2022. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng vậy, khi hồi đầu năm kỳ vọng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới sáu tháng sẽ chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm lần lượt trong năm 2022 và 2023.

Một số chuyên gia thì “cập nhật” đánh giá của mình về động thái tăng lãi suất đã rồi của NHNN, cho rằng “tăng lãi suất điều hành thời điểm này là phù hợp”, “(việc tăng lãi suất) là một trong biện pháp hành động trước, đi trước một bước để sau này không phải đối mặt với những căng thẳng”.

Một trong những bất cập chính của các phân tích, dự báo trên là đã thất bại trong việc nhìn thấy hành động tăng lãi suất điều hành sớm của NHNN là điều không thể tránh được.

Ngay từ cuối năm trước, trong khi mọi người vẫn dự báo một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong năm 2022 để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác giả bài này đã dự báo “ngược dòng” rằng: “Sự mạnh lên của đô la Mỹ và áp lực gia tăng giá cả sẽ buộc NHNN hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ của mình. Nhưng, mức độ thắt chặt trở lại có thể sẽ không quá lớn bởi NHNN không muốn gây ra một sự đổ vỡ trong nền kinh tế nội địa khi sự phục hồi còn chưa vững chắc. Do đó, lãi suất tiền đồng năm 2022 có chiều hướng sẽ tăng lên, tuy ở mức độ nhỏ, hoặc ít nhất thì sẽ khó có chuyện lãi suất sẽ giảm tiếp so với mức hiện nay”.

Để khẳng định lại việc NHNN cần thiết phải sớm công bố tăng lãi suất điều hành ngay từ lúc “bão giá” đã bắt đầu hoành hành ở Việt Nam trong các quí trước, tác giả đã mượn trường hợp chống lạm phát của Singapore để cho thấy chỉ có công cụ chính sách tiền tệ (tức nâng lãi suất) mới là giải pháp hữu hiệu để chống lạm phát, chứ không phải là các giải pháp hành chính, phi kinh tế, phi thị trường.

Tác giả cũng đã chỉ ra dấu hiệu rõ rệt của việc NHNN đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất từ hồi tháng 6. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, NHNN vẫn khẳng định “tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành”. Điều này làm cho nhiều tổ chức/cá nhân phân tích, dự báo tin rằng chính sách tiền tệ sẽ không bị thắt chặt, và nếu có (nếu tăng lãi suất điều hành) thì chỉ diễn ra vào quí 4.

Với các phân tích của mình, tác giả kết luận rằng NHNN sẽ phải sớm công bố nâng các mức lãi suất điều hành (tức là trước quí 4/cuối năm 2022 mà đa phần dự báo khác đưa ra).

Để củng cố thêm lập luận về hành động phải sớm tuyên bố tăng lãi suất điều hành của NHNN, tác giả đã phân tích lý do chính đằng sau mặt bằng lãi suất đã và đang tăng lên ở Việt Nam trong các tháng trước, mà cụ thể là do NHNN đã giảm cung tiền (M2) nhằm siết chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực giảm lạm phát và chặn đà tăng của tỷ giá.

Như vậy, việc NHNN tăng lãi suất điều hành là hoàn toàn có thể dự báo sớm với xác suất cao nếu các tổ chức/cá nhân bám chắc vào các nguyên lý tiền tệ và kinh tế học vĩ mô.

Các phân tích, dự báo có trên thị trường còn gây thất vọng ở chỗ đã không kịp thời cập nhật, sửa đổi các dự báo, phân tích của mình khi các yếu tố, điều kiện thị trường đã thay đổi một cách rõ rệt.

Các tổ chức/cá nhân đã và đang có các báo cáo phân tích, dự báo về xu hướng lãi suất trong phần còn lại của năm và sang năm sau ở mức không thay đổi, hoặc có tăng thì chỉ ở mức khiêm tốn, ví dụ 0,5 điểm phần trăm, nên cập nhật các dự báo này.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tỷ giá tăng và sự đảo chiều của dòng chảy vốn ngoại (16/10/2022)

>   Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên 7.5% (13/10/2022)

>   Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên 7.5% (13/10/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (12/10/2022)

>   Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (12/10/2022)

>   Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022: Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu (11/10/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ nửa cuối năm 2022, có thể đạt 24,400 đồng (11/10/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ nửa cuối năm 2022, có thể đạt 24,400 đồng (11/10/2022)

>   Tờ báo hàng đầu Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là con hổ mới của châu Á (10/10/2022)

>   Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam  (10/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật