Thứ Tư, 12/10/2022 15:10

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp

Sáng 12/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buổi lễ đã tôn vinh, trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ phấn khởi được tham dự sự kiện này với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân về những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nhắc lại, cách đây tròn 1 năm đã gặp nhau trong bối cảnh rất đặc biệt do đại dịch COVID-19. Song, truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn càng đoàn kết, thống nhất, càng áp lực lại càng nỗ lực để phấn đấu và vượt qua. Chúng ta tránh cả hai khuynh hướng là hoang mang, dao động và chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống. Trong những lúc khó khăn, Đảng, Nhà nước luôn có nhân dân bên cạnh, trong đó có đội ngũ doanh nhân.

Theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam đã có gần 900,000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Thủ tướng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. Để tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu, doanh nhân tham dự chương trình nhiệt liệt hưởng ứng những chia sẻ của Thủ tướng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách và xây dựng môi trường kinh doanh theo 12 điểm quan trọng sau:

- Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển KTXH của đất nước. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo.

- Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng  tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác; theo hướng: (i) Bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định; (ii) Chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; (iii) Kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; (iv) Có biện pháp kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; (v) Giải quyết hài hòa giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

- Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát triển mạnh các loại thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

- Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.

- Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.

- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, nhà ở cho công nhân, hệ thống y tế cơ sở.

- Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.

- Phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.  Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của Nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính.

- Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật, quy định của Nhà nước, tận dụng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế...

" Lửa thử vàng- gian nan thử sức" Thủ tướng Phạm Minh Chính tin rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm – Tài – Trí - Tín vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Chúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sức khỏe, thành công và tỏa sáng.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (12/10/2022)

>   Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022: Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu (11/10/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ nửa cuối năm 2022, có thể đạt 24,400 đồng (11/10/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ nửa cuối năm 2022, có thể đạt 24,400 đồng (11/10/2022)

>   Tờ báo hàng đầu Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là con hổ mới của châu Á (10/10/2022)

>   Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam  (10/10/2022)

>   Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xác định rõ và đúng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo (09/10/2022)

>   WSJ: 'Cỗ máy xuất khẩu Việt Nam đang nâng cấp' (08/10/2022)

>   Ông Andy Ho: GDP Việt Nam tăng trưởng 6-7% trong năm 2023 (06/10/2022)

>   Người Việt thu nhập bình quân 6.7 triệu đồng/tháng trong quý 3/2022 (06/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật