Thứ Bảy, 22/10/2022 16:15

Jollibee lên kế hoạch tăng gấp đôi quy mô trong 5 năm tới

Jollibee Foods đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô hoạt động trong 5 năm tới bằng cách tích cực phát triển ở Mỹ và Trung Quốc, Ernesto Tanmantiong, Chủ tịch kiêm CEO của công ty nói với Nikkei Asia.

Ông Ernesto Tanmantiong cho biết đang lên kế hoạch để có 10,000 chi nhánh trong mạng lưới của họ vào năm 2027, từ mức gần 6,300 vào cuối tháng 06/2022. Kế hoạch này sẽ được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sáp nhập. Trong 5 năm qua, Jollibee đã tiếp quản các chuỗi cửa hàng nước ngoài như Smashburger và The Coffee Bean and Tea Leaf ở Mỹ, và thương hiệu trà sữa trân châu Milksha ở Đài Loan (Trung Quốc).

“Tham vọng của chúng tôi là biến JFC [Jollibee Foods Corporation] thành một công ty toàn cầu thực sự”, ông Tanmantiong nói. Hiện nay, khoảng 60% doanh thu của Jollibee đến từ Philippines khi có hơn 3,000 cửa hàng.

Dự báo lạc quan này được đưa ra khi Jollibee, một trong những thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng nhất châu Á, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng hầu COVID-19. Doanh thu toàn hệ thống, bao gồm tất cả thương hiệu, cửa hàng sở hữu trực tiếp và nhượng quyền, tăng 35.4% lên 133.1 tỷ peso (2.26 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2022, với lợi nhuận ròng tăng 352% lên 5.1 tỷ peso.

Ông Tanmantiong cho biết: “Chúng tôi tin rằng có thể tiếp tục đạt được mức tăng trưởng hai con số trong 5 năm tới. Và điều đó có nghĩa là quy mô kinh doanh của chúng tôi sẽ tăng gấp đôi hiện tại”. Vị CEO bổ sung rằng công ty vẫn duy trì mục tiêu trở thành một trong 5 công ty đồ ăn nhanh giá trị nhất thế giới, sánh ngang với McDonald's và Starbucks.

Jollibee, hiện hoạt động tại hơn 30 quốc gia, đã nằm trong tốp 10 công ty lớn nhất tính theo vốn hoá thị trường trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thương hệu này tụt xuống vị trí thứ 18 vào thời điểm Philippines áp dụng lệnh phong toả vì dịch COVID-19 và đây cũng là một trong những quốc gia phong toả lâu nhất thế giới.

Jollibee sở hữu 18 thương hiệu, bao gồm cả nhượng quyền thương hiệu Burger King ở Philippines. Bên ngoài thị trường chính Philippines, công ty đang tập trung xây dựng nhận diện ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường chiếm lần lượt 13% và 6% doanh số bán hàng toàn hệ thống trong nửa đầu năm 2022. Ông Tanmantiong chia sẻ công ty có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng tại Bắc Mỹ lên 500 trong 5 năm tới, từ con số chưa tới 100 hiện nay.

Tại châu Á, công ty đã tiếp nhận nhượng quyền thương hiệu Tim Ho Wan, một chuỗi cửa hàng dim sum, của Singapore và thương hiệu trà sữa trân châu Milksha của Đài Loan (Trung Quốc). Gần đây công ty bơm khoảng 60 triệu USD vào Tim Ho Wan để thương hiệu này có thể xúc tiến kế hoạch mở 100 cửa hàng ở Trung Quốc.

Người đứng đầu Jollibee cho biết sáp nhập vẫn là một phần trong chiến lược tăng trưởng toàn cầu của công ty. Ông tiết lộ có rất nhiều công ty đã chào mời Jollibee, nhưng không có thỏa thuận nào thành công. 4 mảng chính mà công ty muốn mua lại gồm thịt gà, burger, ẩm thực Trung Quốc và đồ uống.

Tanmantiong cho biết công ty cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến ​​kỹ thuật số bao gồm phát triển ứng dụng di động, chương trình khách hàng thân thiết, công nghệ Drive-Thru ảo (mua hàng trực tiếp trên xe) và bếp trung tâm (mô hình nhà hàng “ảo”, chỉ phục vụ đồ ăn theo hình thức giao nhận và hoạt động hoàn toàn dựa vào sự hợp tác với bên thứ ba hoặc dịch vụ đặt hàng trực tuyến).

Nhưng tham vọng của Jollibee cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Jollibee đang rất chật vật để xoay chuyển tình hình của Smashburger, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ mà công ty đã mua lại 40% cổ phần. Bên cạnh đó, họ cũng bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng, hai yếu tố có thể bóp nghẹt lợi nhuận của công ty. Trong khi đó, việc nâng giá đồ ăn nhằm chuyển phần chi phí gia tăng cho khách hàng lại không phải là điều dễ dàng.

Richard Shin, giám đốc tài chính của Jollibee, cho biết USD tăng giá cũng là một rủi ro khác, do công ty phụ thuộc lớn vào doanh thu tại thị trường Philippines. Khoảng 2/3 khoản nợ của công ty được tính bằng USD, dù phần lớn trong đó được chốt lãi suất cố định.

Dịch COVID-19 vẫn là một mối đe doạ. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng giảm gần 30% trong quý 2/2022 vì công ty phải đóng cửa một số cửa hàng theo chính sách Zero Covid của chính phủ. Ông Tanmantiong cho biết các lệnh phong toả ở Trung Quốc tác động khá nghiêm trọng tới Jollibee, khiến hoạt động của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Jollibee khởi đầu là một cửa hàng kem vào năm 1975, được thành lập bởi Chủ tịch Tony Tan Caktiong, anh trai của Tanmantiong. Công ty chuyển sang phục vụ các bữa ăn nóng vào năm 1978, ngay khi McDonald's chuẩn bị vào Philippines. Jollibee sau đó đã vượt mặt đối thủ này bằng cách phục vụ các món yêu thích của người Philippines.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới khởi sắc, tăng hơn 1% (22/10/2022)

>   Dầu tăng khi hy vọng về nhu cầu Trung Quốc lấn át lo ngại về suy thoái (22/10/2022)

>   Đô la là tất cả (21/10/2022)

>   GoTo đàm phán với Alibaba, SoftBank về bán 1 tỷ USD cổ phần (21/10/2022)

>   Giới đầu tư tăng đặt cược vào sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt châu Á (21/10/2022)

>   Vàng thế giới tiếp tục giảm nhẹ (21/10/2022)

>   Dầu gần như đi ngang (21/10/2022)

>   Yên Nhật phá ngưỡng tâm lý 150 đổi 1 USD (20/10/2022)

>   Tỷ phú giàu nhất châu Á muốn phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân (20/10/2022)

>   Uber lấn sân sang mảng quảng cáo, mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD/năm (20/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật