Giới đầu tư tăng đặt cược vào sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt châu Á
Các vị thế bán khống đối với đồng tiền châu Á vẫn ở mức cao, thậm chí còn tăng lên đối với nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và rupee của Ấn Độ trong bối cảnh đô la tăng giá bền bỉ khi hầu hết các ngân hàng trung ương dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt tăng lãi suất. Các đồng tiền châu Á vẫn đang trong vòng xoáy giảm giá với NDT ở thị trường nước ngoài giảm xuống mức thấp kỷ lục mới và yen Nhật rơi về thấp nhất trong 32 năm.
Đà giảm giá của các đồng tiền châu Á vẫn chưa dừng lại so sức mạnh bền bỉ của đô la Mỹ. Ảnh: AFP
|
Cuộc khảo sát tiền tệ châu Á do Reuters được thực hiện với 14 nhà phân tích và quản lý quỹ đầu tư để tìm hiểu ý kiến của họ về vị trí thị trường hiện tại của chín tiền tệ của thị trường mới nổi châu Á gồm NDT, đồng won Hàn Quốc, đô la Singapore, rupiah Indonesia, đô la Đài Loan, rupee Ấn Độ, peso Philippines, Malaysia ringgit và đồng baht Thái Lan.
Cuộc khảo sát sử dụng ước tính của các vị thế mua ròng hoặc bán ròng trên thang điểm từ – 3 đến + 3. Điểm + 3 cho thấy thị trường đang mua ròng đô la Mỹ một cách đáng kể.
Theo cuộc khảo sát, trong những tuần gần đây, tất cả cặp tỷ giá giữa đô la Mỹ và chín tiền tệ nói trên đều đang ở thang điểm dương, có nghĩa là đô la đang được mua ròng, và các đồng tiền còn lại bị bán ròng.
Các vị thế bán khống đồng NDT, vốn đã ở mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây, tăng nhẹ trong hai tuần qua.
Đồng NDT suy yếu hơn nữa trong tuần này khi Trung Quốc thắt chặt hạn chế kiểm soát Covid-19 bằng cách tăng cường kiểm tra công cộng và áp đặt lệnh phong tỏa với một số khu dân cư do số ca nhiễm tăng trong những tuần qua.
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng lệch hướng với các nền kinh tế lớn khác, nơi các ngân hàng trung ương đang tích cực tăng lãi suất. Hôm 20-10, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng thứ hai liên tiếp.
Các vị thế bán khống đồng ringgit của Malaysia và đồng rupee của Ấn Độ cũng nhích lên cao hơn, trong khi tỷ lệ đặt cược giảm giá đối với đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan vẫn ổn định.
Trước sức mạnh vượt trội của đồng bạc xanh, các đồng tiền trong khu vực châu Á đã giảm gần mức thấp nhất trong nhiều năm, với một số đồng tiền rơi xuống gần mức thấp kỷ lục.
Dù đồng ringgit đã giảm gần 12% trong năm nay, các vị thế bán khống đồng nội tệ của Malaysia vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm khi các nhà phân tích cho rằng triển vọng của đồng tiền này đang xấu hơn do sự không chắc chắn xung quanh cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Malaysia.
Poon Panichpibool, nhà chiến lược thị trường tại Ngân hàng Krung Thai (Thái Lan), nói: “Bên cạnh tình trạng không chắc chắn về chính trị, dòng vốn nước ngoài tháo chạy mạnh hơn từ thị trường chứng khoán trong nước do giá hàng hóa biến động và việc ngân hàng trung ương Malaysia tăng lãi suất mạnh mẽ cũng có thể gây ra áp lực bán đối với các tài sản ở Malaysia”.
Tuy nhiên, các vị thế bán khống đối với đồng đô la Singapore đã thu hẹp trong những tuần qua do đồng tiền của quốc đảo này có vị thế tốt hơn để đối phó với làn sóng tăng lãi suất, theo các nhà phân tích.
Daniel Dubrovsky, nhà phân tích tại DailyFX IG, nói: “Singapore có các ngân hàng lớn phát triển mạnh khi chi phí đi vay tăng cao. Bất chấp sự thắt chặt tiền tệ gần đây từ Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS), tỷ giá đô la Mỹ / đô la Singapore vẫn có thể tăng cao hơn nữa”.
Giới đầu tư vẫn đang bán tháo các đồng tiền châu Á. Hôm 20-10, tỷ giá NDT ở thị trường nước ngoài, có giảm đến 0,2% xuống còn 7,279 NDT ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp kỷ lục mới.
Các đồng tiền châu Á khác cũng đồng loạt giảm. Đồng đô la Singapore giảm 0,2%, trong khi đồng rupiah của Indonesia, giảm 0,5% và đồng rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục, hơn 83 rupee ăn 1 đô la.
Cùng ngày, đồng yen của Nhật Bản phá ngưỡng tâm lý, 150 ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 8-1990. Trước đà giảm này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki cam kết sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp để chống lại sự biến động quá mức của thị trường tiền tệ,
Chỉ số đồng đô la Mỹ, đo lường biến động của đồng bạc xanh so với một rổ 6 tiền tệ mạnh khác, gồm euro, yen, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ, đang giao dịch trong biên độ 112-113 điểm và có lúc vượt qua 113 điểm vào hôm 19-10. Đồng đô la củng cố sức mạnh sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,136%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Lê Linh
TBKTSG
|