Elon Musk có khả năng không mua được Twitter
Chính phủ Mỹ có thể yêu cầu Tổng thống Joe Biden ngăn chặn thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk với lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Elon Musk tại lễ khánh thành nhà máy của Tesla tại Gruenheide (Đức) ngày 22/3. Ảnh: AP.
|
Chính phủ Mỹ được cho đang thảo luận khả năng đánh giá mức độ an ninh quốc gia với một số dự án kinh doanh của Elon Musk, bao gồm thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter.
Kế hoạch thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD của vị tỷ phú có sự hỗ trợ của một số nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia, quỹ đầu tư quốc gia Qatar và sàn giao dịch tiền mã hóa Binance do Changpeng Zhao, người gốc Trung Quốc sáng lập. Theo Bloomberg, những cái tên này khiến các quan chức chính phủ Mỹ lo ngại.
Nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét một số biện pháp đánh giá dự án kinh doanh của Musk, với sự tham gia của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).
CFIUS là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, chuyên đánh giá các hoạt động mua bán, sáp nhập để xác định mối đe dọa tiềm ẩn với an ninh nước này. Trong lúc đánh giá dự án, CFIUS có thể đề xuất tổng thống Mỹ can thiệp.
"Dựa trên luật pháp và thực tế, CFIUS không bình luận công khai về các giao dịch có thể, hoặc không được đánh giá", phát ngôn viên của chính phủ Mỹ chia sẻ với Business Insider.
Nếu thương vụ thâu tóm Twitter được CFIUS đánh giá vì lo ngại an ninh quốc gia, cơ quan này có thể đề xuất Tổng thống Biden đình chỉ. Đây là điều Musk từng mong muốn cách đây vài tháng.
Một số nguồn tin cho biết việc thảo luận đang trong giai đoạn đầu. Ngoài thương vụ thâu tóm Twitter, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX cũng có thể nằm trong diện đánh giá an ninh quốc gia. Hành động này diễn ra sau những phát ngôn của Musk liên quan đến chủ đề nóng của thế giới.
Trụ sở Twitter tại San Francisco (Mỹ). Ảnh: Variety.
|
Sau khi công bố kế hoạch thâu tóm Twitter vào tháng 4, vị tỷ phú đã tìm cách rút khỏi thỏa thuận, cho rằng nền tảng này không trung thực trong việc cung cấp số liệu tài khoản giả (bot).
Twitter nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, chứng kiến giá cổ phiếu lẫn vốn hóa liên tục bay hơi. Đại diện mạng xã hội đã kiện Musk, yêu cầu vị tỷ phú hoàn tất thương vụ, đồng thời cáo buộc Musk lấy lý do thoái thác thỏa thuận do sự suy giảm của thị trường.
Đến tháng 10, vị tỷ phú "quay xe" khi tuyên bố muốn mua lại mạng xã hội với giá ban đầu là 44 tỷ USD. Để thực hiện thương vụ, Musk đã liên hệ với nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư cổ phần cá nhân, bao gồm T. Rowe Price, TPG và Warburg Pincus.
Thẩm phán giám sát vụ tranh chấp sau đó đã ra phán quyết tạm dừng các thủ tục pháp lý cho đến ngày 28/10 theo yêu cầu của vị tỷ phú.
Việc CFIUS can thiệp để ngăn thương vụ mua lại công ty Mỹ từng xảy ra trong quá khứ. Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn thương vụ thâu tóm nền tảng quản lý khách sạn StayNTouch của công ty công nghệ Beijing Shiji sau đề xuất của CFIUS.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Trump buộc CFIUS điều tra TikTok về khả năng gửi dữ liệu của người dùng Mỹ về chính phủ Trung Quốc. Động thái này nhằm ép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ kế nhiệm, ông Joe Biden đã từ bỏ kế hoạch sau khi ByteDance đồng ý thay đổi cách lưu trữ và gửi dữ liệu.
Phúc Thịnh
Zing.vn
|