Thứ Năm, 27/10/2022 09:50

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải: Cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Theo đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia, là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á. Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số và tài sản không thể thay thế NST. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3,000% về giá trị so với năm 2016. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.

Đại biểu cũng đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời cũng như thống nhất với quan điểm định hướng chiến lược của Chính phủ trong Quyết định 411 về chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2025, định hướng năm 2030.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỉ trọng 20 % GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10 %. Đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20 % là những mục tiêu rất thách thức.

Bên cạnh một số kết quả ấn tượng, câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức về thể chế, về đo lường quy mô kinh tế số; vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số; chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn, an ninh mạng; sở hữu trí tuệ, văn hóa số, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số, mức độ sẵn sàng và thực thi chuyển đổi số của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Để hợp lực chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế số, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế hơn nữa, đặc biệt là một số nội dung rất cấp thiết.

Theo đó, sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ mỏ vàng của kinh tế số; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các mô hình kinh kinh doanh số, tài sản số, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, giáo dục số và y tế số. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không theo doanh thu. Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế số.

Cần kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế hiện có

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Đại biểu tỉnh Kiên Giang) nêu rõ, trong năm vừa qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, kinh tế- xã hội của nước ta trong năm 2022 đã phác họa lên bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng, với 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế ước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đã khẳng định các chủ trương, chính sách ta đã ban hành là cần thiết, kịp thời, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn. Cụ thể, cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm chạp, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra. 

Đại biểu cũng cho rằng, cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặt biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát. Đại biểu cũng cho rằng cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bình ổn giá cả thị trường, khắc phục hạn chế trong điều hành giá xăng để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chính phủ nghiêm cấm việc mua đi bán lại các mỏ vật liệu (27/10/2022)

>   Loạt dự án đầu tư công ở Bà Rịa - Vũng Tàu 'đội vốn' hàng nghìn tỷ đồng (27/10/2022)

>   Truyền thông mạng Trung Quốc đưa ra 10 lý do nên đầu tư vào Việt Nam (26/10/2022)

>   Việt Nam trước rủi ro lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp (26/10/2022)

>   Vụ Việt Á: Đã thu hồi 1.400 tỷ đồng (25/10/2022)

>   Xuất khẩu hơn 120 triệu khẩu trang y tế trong 9 tháng (25/10/2022)

>   Bộ Công an: Tin tiếp tục xử lý một số tập đoàn kinh tế lớn là sai sự thật (25/10/2022)

>   Những con số 'khủng' tại phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu (25/10/2022)

>   Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra (25/10/2022)

>   Hàng không dự kiến đón 100 triệu lượt khách trong năm 2022 (25/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật