Việt Nam trước rủi ro lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp
Việt Nam có thể bị lún sâu vào “bẫy” gia công, lắp ráp và ở vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do trình độ công nghệ và chất lượng lao động hạn chế.
Tại toạ đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA” sáng 25-10, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tổng số dự án FDI đăng ký mới, tổng giá giá trị FDI đăng ký và FDI thực hiện có xu hướng tăng đều qua các thời kỳ với những biến động nhỏ trong ngắn hạn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, sự biến động lớn trong nền kinh tế thế giới do sự lây lan của đại dịch Covid-19 làm lượng FDI đăng ký vào Việt Nam giảm đáng kể. Tuy nhiên, lượng vốn thực hiện có xu hướng tăng lên.
Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng là nền tảng để thu hút các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam – Ảnh minh hoạ: TL
|
Về ngành đầu tư, FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và ngành bất động sản với lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Về nhà đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam tính tới hết tháng 8-2022, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp theo là Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp tới từ Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp, Canada, Đức, Thuỵ Sỹ cũng dần dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam.
Với các doanh nghiệp thuộc các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), báo cáo cho biết số lượng các đối tác thuộc EU tham gia đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng và chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, Hà Lan là đối tác đầu tư lớn nhất khi đóng góp gần 50% tổng số vốn FDI của toàn khối tại Việt Nam. Còn Pháp, Luxembourg, Đức, Đan Mạch và Bỉ đóng góp gần 42%.
Tuy nhiên, hiện mới có doanh nghiệp từ 25 quốc gia thuộc EU27 tham gia đầu tư vào Việt Nam, với 2.378 dự án. Tổng giá trị vốn đăng ký là 27,59 tỉ đô la Mỹ.
Điều này có nghĩa vốn FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng chưa tới 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được. Còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%.
Còn số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam của khối EU thường chỉ dao động trong khoảng 2-5% so với tổng số vốn FDI mà khối này đầu tư trên toàn thế giới.
Ngoài ra, quan hệ giữa Việt Nam với các nước EU trong tương quan so sánh với các nước ASEAN với vai trò điểm đến đầu tư còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, đại đa số các dự án do các doanh nghiệp thuộc khối EU có giá trị trung bình nhỏ.
Với bối cảnh trên, TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, lo ngại Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp.
“Nước ta có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và ở vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng lao động chưa cao. Đồng thời, do quy định môi trường chưa chặt chẽ, năng lực quản lý và giám sát ảnh hưởng môi trường của dự án”, bà Hà cho biết.
Quá trình chuyển đổi số cũng có thể thu hẹp dòng đầu tư của EU vào Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực có giá trị cao do sự thay đổi trong mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm lao động giá rẻ hay nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng trong bối cảnh cách mạng 4.0, mục tiêu của họ là tìm kiếm kiến thức và công nghệ.
Nhưng đây không phải là lợi thế của Việt Nam do nước ta còn nhiều hạn chế về nguồn lao động có kỹ năng, năng lực công nghệ, tài chính, đồng thời chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ các ngành công nghệ cao còn kém phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư EU như chất lượng cơ sở hạ tầng còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp.
Một thách thức khác với Việt Nam, theo vị chuyên gia này, tới từ tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và các nhà đầu tư từ EU suy yếu trước những rủi ro bất định trên toàn cầu.
Để tận dụng cơ hội EVFTA mang lại, các chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường nhận thức, tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tác động của EVFTA đối với FDI. Điều này sẽ giúp Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có hiểu biết cặn kẽ về các tác động của EVFTA, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng về chính sách, chiến lược, điều chỉnh hoạt động.
Ngoài ra, đặt ra các giải pháp cải cách gồm: bảo đảm quyền tài sản; cải cách về điều kiện kinh doanh, sửa đổi các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường; và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định, chính sách. Trong đó, chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả cả vốn trong nước và vốn nước ngoài.
Với Chính phủ, các chuyên gia khuyến nghị cần hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư để làm cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam.
Vân Phong
TBKTSG
|