Truyền thông mạng Trung Quốc đưa ra 10 lý do nên đầu tư vào Việt Nam
Một số trang mạng Trung Quốc như Sina, Sohu mới đây đã đăng bài viết, điểm ra 10 lý do nên đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh minh họa
|
10 lý do mà các trang truyền thông mạng Trung Quốc đưa ra gồm: vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, chính sách mở cửa đối với doanh nghiệp nước ngoài, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao và chi phí khá thấp, nền kinh tế phát triển, tài nguyên thiên nhiên phong phú chưa được khai thác, môi trường pháp lý cải thiện và biến hội nhập thành cơ hội.
Với tiêu đề “10 lý do đầu tư vào Việt Nam”, bài viết cho rằng, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7%. Với tài nguyên phong phú, nhân tài đầy tiềm năng và cơ chế ưu đãi, Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh nên đầu tư ngay vào Việt Nam nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội sinh lời cực kỳ giá trị.
Bài viết khẳng định, Việt Nam là quốc gia có địa thế ưu việt, khí hậu ôn hòa, dễ dàng đầu tư phát triển và đây là một lựa chọn sáng suốt của các doanh nhân nước ngoài. Với vị trí độc nhất vô nhị, Việt Nam có thể đóng vai trò là bệ phóng và căn cứ của một khu vực dân số tập trung nhất toàn cầu (tổng số dân của ASEAN cộng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vượt hơn 2 tỷ người).
Theo bài viết, chính trị ổn định là một trong những yếu tố chính thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam. Chính trị càng ổn định, xu hướng tăng trưởng kinh tế càng nhanh. Đây là một lợi thế mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Trong khi các nước trên thế giới vẫn đang chống chọi với COVID-19, Việt Nam đã nối lại các hoạt động kinh doanh bình thường và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng hậu đại dịch.
Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam luôn thay đổi các quy định về đầu tư và tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với một số ngành, miễn tiền thuê đất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng cởi mở, minh bạch và phủ hợp các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã tích cực tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển.Cũng theo bài viết, cùng với sự nâng cao của các chính sách phát triển kinh tế, Việt Nam ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật với chất lượng được đảm bảo. Không chỉ gia tăng ở các thành phố lớn, mà còn lan rộng ra các vùng miền.
Về nguồn nhân lực, bài viết cho biết, lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay được đánh giá là lực lượng lao động trẻ, giá nhân công rất cạnh tranh so với khu vực. Hầu hết lao động Việt Nam có kỹ năng nghề tốt, khả năng thích ứng với môi trường làm việc cao. Lao động Việt Nam trẻ, tay nghề cao, đạo đức làm việc tốt, được giáo dục tốt và sẵn sàng làm việc trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao, như công nghệ thông tin, dược phẩm và dịch vụ tài chính với chi phí cạnh tranh hơn các nước khác trong khu vực.
Bài viết ca ngợi những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam hơn 30 năm qua, cho biết từ năm 2002 đến 2018 GDP bình quân đầu người đã tăng 2,7 lần. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi vào năm 2021 do có nền tảng vững chắc và năng lực tương đối để ngăn chặn COVID-19.
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là có một số lượng lớn các mỏ đất hiếm chưa khai thác ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái…, bài viết còn khẳng định sự cải thiện rõ rệt của khung pháp lý và thể chế của Việt Nam. Theo đó, thể chế quản lý của Việt Nam được đánh giá cao nhờ môi trường kinh doanh thông thoáng, chính sách đầu tư minh bạch và các biện pháp khuyến khích giúp doanh nghiệp sinh lời.
Cuối cùng, theo bài viết, chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế đã giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trên thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh, biến hội nhập thành cơ hội phát triển./.
Bích Thuận
VOV
|