Đã đến lúc các ngân hàng trung ương châu Á chú ý rủi ro tăng trưởng kinh tế
Việc Fed tỏ rõ quan điểm về lạm phát là trọng tâm trong chính sách tiền tệ của Mỹ, điều này khiến các ngân hàng trung ương ở châu Á có thêm lý do để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng.
Động lực nào khiến các ngân hàng trung ương châu Á tăng lãi suất?
Ngày 21/09, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố lạm phát, chứ không phải tăng trưởng, sẽ vẫn là trọng tâm chính sách tiền tệ của nước này. Các dự báo được đưa ra bởi những thành viên của Fed sau đó cho thấy lãi suất tại Mỹ có thể tăng mạnh hơn kỳ vọng trước đó của thị trường.
Những diễn biến này nhanh chóng lan sang châu Á, với việc các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia tăng lãi suất 0.5% vào ngay ngày hôm sau. Ấn Độ có động thái tương tự một tuần sau đó.
Việc Fed giữ giọng điệu ngày càng hiếu chiến khiến các ngân hàng trung ương ở châu Á có thêm lý do để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn hành động và tuyên bố chính sách của các ngân hàng trung ương này, động lực tăng lãi suất của họ chủ yếu đến từ tình hình trong nước. Mặc dù các ngân hàng trung ương thừa nhận tình hình thế giới bên ngoài ngày càng nhiều thách thức, song mối quan tâm chính của họ vẫn là làm sao để duy trì kỳ vọng lạm phát ổn định.
Điều này đúng ngay cả với Indonesia. Thông báo muộn màng của Tổng thống Joko Widodo về việc tăng khoảng 30% giá nhiên liệu vì không thể tiếp tục trợ giá vào hồi đầu tháng 9 có thể đẩy tỷ lệ lạm phát của nước này lên gần 8% trong tháng 10.
Lạm phát của Indonesia khó có thể xuống dưới 6.5% ít nhất cho đến đầu năm sau, nhưng điều quan trọng là triển vọng lạm phát của nước này hơi khác so với phần còn lại của khu vực. Sự dịch chuyển giá toàn cầu vào giá cả ở các nền kinh tế khác ít bị kiểm soát hơn Indonesia.
Nói cách khác, việc giá cả trên thế giới đang “hạ nhiệt” cũng đã tác động tới các nền kinh tế này. Những yếu tố từng đẩy giá cả lên cao, gồm gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hoá vì chiến sự Nga – Ukraine, giờ đã dịu bớt.
Chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhu cầu giảm xuống cũng giúp giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây. Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng toàn cầu, do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thiết lập, giờ đã trở lại mức của đầu năm 2021, còn giá vận chuyển hàng hoá từ Thượng Hải tới Mỹ giảm 40 – 70% so với mức đỉnh được ghi nhận vào năm ngoái. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số PMI cũng cho biết thời gian giao hàng từ nhà cung cấp đã được rút ngắn.
Cú sốc giá hàng hoá do chiến sự Nga – Ukraine gây ra cũng mờ nhạt dần, với giá dầu hiện thấp hơn hơn mức đỉnh khoảng 20%, giá ngũ cốc và các nông sản khác cũng giảm xuống.
Dù chỉ lạm phát có khả năng vẫn tăng trong ngắn hạn, song có thể đã đạt đỉnh ở một số nền kinh tế châu Á.
Phục hồi hậu COVID-19
Một yếu tố có lợi cho châu Á là họ có ít áp lực tăng giá từ phía cầu, thứ đã gây ra nhiều vấn đề ở Mỹ và những quốc gia khác. Ngoại trừ một số quốc gia như Singapore và Hàn Quốc, phần lớn châu Á vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu COVID-19. Các số liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây cho thấy châu Á đang phục hồi theo xu hướng hơn là tăng trưởng quá nóng.
Đây là điều mà các ngân hàng trung ương ở châu Á không nên buông lỏng theo dõi. Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đều xác nhận một cuộc suy thoái, và tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm vì các lệnh phong toả liên quan tới COVID-19, triển vọng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của châu Á ngày càng tồi tệ.
Sự thay đổi của thị trường bán dẫn
Một tín hiệu không mấy lạc quan nữa là sự thay đổi trên thị trường bán dẫn. Xuất khẩu hàng điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong vài năm qua, nhưng cả hai nhà cung cấp này đều đang cảm thấy ớn lạnh vì nhu cầu suy yếu. Theo đó, Oxford Economics hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của châu Á xuống còn 0.4% cho năm 2023, từ mức 3.5% vào đầu năm, nhưng nhiều rủi ro giảm vẫn còn ở phía trước.
Tất nhiên, đà giảm của lạm phát sẽ chậm lại, ít nhất cho đến giữa năm 2023. Điều này một phần phản ánh các vấn đề cố hữu của chuỗi cung ứng, triển vọng không ổn định đối với giá hàng hoá cũng như một số yếu tố riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chưa chắc việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có tác động đáng kể trong việc xoa dịu áp lực tăng giá ở phía nguồn cung.
Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Hãy xét đến lệnh hạn chế mới đây của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến giá gạo toàn cầu cũng như một số nước châu Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng về mặt tài khoá vẫn tốt hơn là ảnh hưởng về mặt tiền tệ.
Châu Á vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm một vài lần nữa. Tuy nhiên, dù Fed có hiếu chiến hơn, miễn là áp lực giá trên thế giới giảm và kỳ vọng lạm phát ổn định, các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ hướng trọng tâm vào việc nhanh chóng giải quyết rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới. Nhìn sang năm 2023, định hướng chính sách phù hợp sẽ là tạm dừng tăng lãi suất để đánh giá tác động của chính sách tiền tệ.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|