Chủ Nhật, 09/10/2022 10:57

Kỷ nguyên mới của SoftBank và Vision Fund

Khoản đầu tư 800 triệu USD do SoftBank Group dẫn dầu đã giúp công ty thanh toán trực tuyến Revolut đạt mức định giá 33 tỷ USD trong năm 2021 và trở thành một trong những công ty fintech tư nhân giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Revolut lại có một bước lùi đáng kể.

Những rủi ro rình rập

Tháng 9, Chính phủ Nhật Bản “sờ gáy” fintech này liên quan tới việc vi phạm hành chính và đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua Tokyo có hành động nhằm vào một doanh nghiệp có giấy phép chuyển tiền.

Bộ Tài chính Nhật Bản khi đó nêu rõ các vấn đề mà startup này gặp phải, như không thiết lập hệ thống quản lý rủi ro rửa tiền và tài trợ cho khủng bố phù hợp với tốc độ mở rộng quy mô kinh doanh. Revolut lên tiếng xin lỗi trên trang web chính thức, đồng thời cho biết sẽ cải cách hệ thống kiểm soát nội bộ.

Việc Revolut gặp ngày càng nhiều khó khăn phản ánh rõ những điều mà SoftBank cũng đang phải đối mặt sau một năm đầy biến động. Đã được nửa thập kỷ kể từ khi “gã khổng lồ” công nghệ do tỷ phú Masayoshi Son lãnh đạo gây bất ngờ với giới đầu tư mạo hiểm bằng việc ra mắt quỹ Vision Fund trị giá gần 100 tỷ USD.

Khác thời kỳ đầu với những thương vụ cá nhân táo bạo, quỹ đầu tư này hiện nay đã giảm quy mô đầu tư và ngày càng chuyển hướng sang hoạt động đồng đầu tư. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đối thủ của Vision Fund cũng đang thay đổi chiến thuật, chịu chi hàng tỷ USD, đôi khi còn mạnh tay rót vốn hơn cả SoftBank cho những startup “hot” nhất.

Tuy nhiên, với những startup được hưởng lợi từ sự hào phóng của SoftBank, tình thế hiện giờ đã thay đổi hoàn toàn.

Takeshi Ebihara, đối tác sáng lập của Rebright Partners – một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào thị trường châu Á, cho rằng bằng cách tận dụng thanh khoản dư thừa và sự phát triển bùng nổ của công nghệ, SoftBank đã sử dụng đòn bẩy tài chính và chấp nhận rủi ro để đẩy giá cổ phiếu của các startup lên ngất ngưởng.

“Đó là thời điểm rất thách thức với đối với một công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng. Họ cần rất nhiều vốn, nhưng chi phí vốn đều tăng lên. Vì vậy, họ cứ đâm đầu việc đốt tiền mặt, mà không quan tâm phát triển bền vững. Trước đây, mọi người chỉ quan tâm đến tăng trưởng, tăng trưởng bằng mọi giá. Tôi nghĩ giờ tư duy đó chắc chắn không còn nữa”, ông Ebihara nói.

Những khoản gọi vốn khổng lồ sử dụng vào đâu?

Một phân tích của Nikkei Asia cho thấy chiến lược của SoftBank đã phát triển như thế nào trong những năm qua. Quỹ Vision Fund 1 huy động được gần 100 tỷ USD tính đến tháng 05/2017 và đầu tư tập trung vào một số công ty đang ở giai đoạn huy động vốn cuối cùng, như nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Uber Technologies và Didi Global. Quỹ này đã chi khoảng 20 tỷ USD cho riêng hai công ty này, cho thấy tham vọng thống trị thị trường gọi xe của SoftBank và các nhà đầu tư.

Quỹ Vision Fund 2, ra mắt vào năm 2019, được tài trợ hoàn toàn bằng vốn tự có của SoftBank vì không huy động được vốn từ bên ngoài. So với Vision Fund 1, quỹ thứ hai này thực hiện các khoản đầu tư nhỏ hơn nhưng với số lượng nhiều hơn - rót vốn cho 269 công ty tính đến tháng 6 năm nay – trải rộng ở nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý hơn. Trong đó, Vision Fund 2 tăng cường đầu tư vào châu Âu, châu Á và Trung Đông, chẳng hạn như Revolut, công ty fintech bKash của Bangladesh và startup thương mại điện tử Trendyol của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi sự thèm muốn của thị trường đối với cổ phiếu công nghệ giảm xuống, một phần danh mục đầu tư của Vision Fund cũng bắt đầu gặp sóng gió. Tháng 7, nền tảng giao dịch tài chính EToro hủy bỏ kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Công ty cho vay mua nhà trực tuyến của Mỹ Better cũng hoãn kế hoạch sáp nhập với một SPAC đến tháng 03/2023. Trong khi đó, một số doanh nghiệp, như công ty giáo dục trực tuyến Unacademy của Ấn Độ và thương hiệu thể dục thể hình Whoop của Mỹ, đang phải sai thải nhân sự để cắt giảm chi phí.

Bản thân ông Son dường như cũng đang mâu thuẫn về những gì SoftBank nên làm trong kỷ nguyên mới này. Trước sự mong manh, dễ đổ vỡ của đế chế kinh doanh, ông Son không thể giữ hình ảnh một doanh nhân hào nhoáng, sẵn sàng nắm bắt cơ hội để liều ăn nhiều của ông, mà thay vào đó là một con người mới theo chủ nghĩa thực dụng.

“Một số người nói rằng bây giờ là lúc để mua. Bản thân tôi cũng cảm thấy nên như vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta đơn phương theo đuổi một tầm nhìn lớn hoặc một mục tiêu, chúng ta sẽ có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang rất hạn chế đầu tư mới”, ông Son từng nói hồi tháng 9. Quỹ Vision Fund 2 chỉ thực hiện một khoản đầu tư vào tháng 8 và một vào tháng 9, theo CB Insights.

Các đối thủ trong giới đầu tư mạo hiểm đang dần bắt kịp SoftBank

Insight Partners, công ty đầu tư có trụ sở tại Mỹ được biết đến với những lần rót vốn vào lĩnh vực phần mềm, hồi tháng 2 cho biết họ đã huy động được 20 tỷ USD cho quỹ thứ 12 của mình. Tiger Global, có trụ sở tại Mỹ, cũng ra mắt quỹ đầu tư 12.7 tỷ USD hồi tháng 3, chỉ một năm sau khi họ huy động được một quỹ trị giá 6.7 tỷ USD, theo số liệu của Preqin. Những quỹ đầu tư này gần đây đều vượt trội hơn Vision Fund nếu xét về các khoản đầu tư mới.

Ngay cả SoftBank cũng đang nung nấu lại ý định ra mắt Vision Fund 3. Bloomberg News gần đây đưa tin rằng nhà sáng lập của SoftBank Group đang khởi động lại các cuộc thảo luận về việc thành lập quỹ Vision Fund thứ 3, dù vài tuần trước đó, ông phải lên tiếng xin lỗi về kết quả đáng thất vọng của hai quỹ đầu tư đầu tiên.

Ông Son được cho là đã huy động được hàng tỷ đôla tiền mặt trong thời gian gần đây và xem việc thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp mới là một trong những ưu tiên khả thi để sử dụng số tiền này.

Dẫu sao thì đối với những doanh nghiệp đang tìm nguồn vốn, đây là cơ hội lớn khi thị trường có thêm nhiều nhà đầu tư, dù môi trường vẫn còn nhiều thách thức.

Ebihara của Rebright nói: “Đã có lúc các doanh nghiệp nghĩ rằng họ sẽ thua lỗ nếu không có vốn đầu tư từ SoftBank. Giờ đây, nhiều người chịu chi những tấm séc có giá trị tương tự như vậy. Vầng hào quang mà SoftBank từng có theo đó cũng không còn nữa”.

Những người ủng hộ Son cho rằng thành công của ông với tư cách là một doanh nhân và nhà đầu tư là mang đến cho các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của Vision Fund một lợi thế riêng.

Sau khi đầu tư hơn 1 tỷ USD vào công ty thanh toán Paytm của Ấn Độ vào năm 2017, Son đích thân yêu cầu CEO của startup này hỗ trợ phát triển ứng dụng tương đương PayPay ở Nhật Bản, theo một số nguồn tin thân cận. Các kỹ sư của Paytm đã cải tiến phần mềm của PayPay và nhờ đó, nó trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán di động ở đất nước Mặt trời mọc.

Tuy nhiên, Son cũng có những sai lầm mà bản thân ông không hề phủ nhận. Trong đó phải kể đến vụ đặt cược lớn vào công ty chia sẻ văn phòng WeWork của Mỹ, một thương vụ cho thấy sự khác biệt giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm – nơi mà các đối tác phải đồng tình về một quyết định đầu tư – và Vision Fund – nơi mà quyết định đầu tư chỉ bị chi phối bởi một nhân vật duy nhất.

Ebihara nói: “Các khoản đầu tư như WeWork rõ ràng là thiếu tính kỷ luật”.

Ngay cả ông Son, sau khi công bố khoản lỗ kỷ lục của hai quỹ Vision Fund, cũng thừa nhận rằng nếu chọn lọc hơn một chút và đầu tư ở mức vừa phải, SoftBank và các Vision Fund sẽ không bị tổn hại nhiều như vậy.

Dẫu vậy, Masayoshi Son, người sở hữu 29% cổ phần của Vision Fund, vẫn có tiếng nói rất lớn với các quỹ đầu tư của ông. Tháng 7, ông từng nói với nhân viên rằng ông sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp hơn trong việc quản lý Vision Fund 2.

Còn giám đốc của Vision Fund 1, Rajeev Misra, sẽ không còn chịu trách nhiệm giám sát các khoản đầu tư mới. Cuối tháng 9, quỹ này bắt đầu sa thải khoảng 150 nhân viên, tương đường gần 1/3 tổng nhân sự.

Vấn đề nhân sự

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Son chia sẻ rằng mở rộng Vision Fund là chìa khóa để hiện thực hoá tầm nhìn của ông về việc xây dựng một đế chế tồn tại 300 năm. “Khi quỹ ổn định ở một mức độ nào đó, nó có thể tự quản lý”, Son nói và tuyên bố muốn mở rộng đội ngũ chuyên gia đầu tư lên 2,000 người trong 10 năm tới.

Giờ đây, Vision Fund có vẻ đang bước vào kỷ nguyên mới, trong đó, mối liên hệ giữa ông Son và vận mệnh của SoftBank ngày càng trở nên bền chặt hơn bao giờ hết.

Tatsunori Kawai, giám đốc chiến lược của au Kabu.com Securities, cho rằng: “Là một công ty đầu tư, SoftBank không huy động tiền bằng cách đặt ra các chính sách về nơi họ sẽ rót vốn. Son là người có ảnh hưởng lớn nhất. Cho dù đó là lĩnh vực công nghệ cao hay viễn thông, tiền sẽ chỉ chảy về hướng ông ấy quyết định”.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia, Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Dự trữ tiền tệ toàn cầu sụt giảm với tốc độ kỷ lục (08/10/2022)

>   Vàng thế giới giảm sau báo cáo việc làm của Mỹ (08/10/2022)

>   Dầu tăng 3% lên cao nhất trong 5 tuần (08/10/2022)

>   Thị trường trái phiếu Trung Quốc “chảy máu” 83 tỷ USD vì nước ngoài rút vốn (08/10/2022)

>   Samsung ước lãi quý 3 giảm hơn 30% giữa “bão” lạm phát toàn cầu (07/10/2022)

>   Siêu ứng dụng “X” của tỷ phú Elon Musk có thể giống WeChat (07/10/2022)

>   Thách thức mới của các ngân hàng trung ương châu Á (07/10/2022)

>   Vàng thế giới giảm chờ dữ liệu việc làm tại Mỹ (07/10/2022)

>   Dầu tiếp tục tăng sau khi OPEC+ thống nhất cắt giảm sản lượng (07/10/2022)

>   5 nước ASEAN sẽ kết nối hệ thống thanh toán vào năm 2023 (06/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật