Thứ Bảy, 08/10/2022 08:50

Thị trường trái phiếu Trung Quốc “chảy máu” 83 tỷ USD vì nước ngoài rút vốn

Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tháo chạy khỏi cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc nhanh chóng và sự thay đổi trong chính sách lãi suất thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các địa điểm đầu tư khác.

Giới đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc 7 tháng liên tiếp tính đến tháng 8. Họ rút tổng 594 tỷ nhân dân tệ (83 tỷ USD) xuống còn giữ 3.48 ngàn nhân dân tệ trái phiếu, theo số liệu từ các nguồn bao gồm Trung tâm Lưu ký và Thanh toán bù trừ Trung Quốc. Đây là mức rút ròng lớn nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông.

Dòng vốn rút khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới giảm tốc đáng kể.

“Rõ ràng một phần lý do đến từ những khó khăn mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tôi nghĩ động lực lớn hơn là sự thay đổi về chính sách tiền tệ, gây ra chênh lệch về lãi suất giữa các quốc gia”, Mark Reade, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về tài sản có thu nhập cố định tại Mizuho Securities Asia, cho biết.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài giảm đầu tư vào tài sản Trung Quốc có thể do những lo ngại về địa chính trị. Theo Alicia Garcia Herrero, trưởng phòng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, Trung Quốc có thể bị trừng phạt vì hỗ trợ quân sự cho Nga hay bất ổn tại Đài Loan (Trung Quốc).

Đầu tư của khối ngoại vào thị trường trái phiếu Trung Quốc gần như không bị gián đoạn kể từ khi chương trình Kết nối Trái phiếu ra mắt vào năm 2017, cho phép nước ngoài tiếp cận thị trường trái phiếu Trung Quốc. Từ năm 2019, việc trái phiếu Trung Quốc được đưa vào những chỉ số mà giới đầu tư tổ chức thường theo dõi càng tạo thêm lực đẩy cho tài sản này.

Tuy nhiên, môi trường chính sách tiền tệ vừa có sự thay đổi lớn. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục từ đầu năm nay, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt lợi suất trái phiếu tương đương của Trung Quốc lần đầu tiên sau 12 năm qua vào tháng 4. Các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc để tận dụng cơ hội lợi suất trái phiếu cao ở các nơi khác.

Lo ngại về địa chính trị cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ 25% số trái phiếu được phát hành bởi các ngân hàng chính sách Trung Quốc như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, so với mức đỉnh hồi tháng 1. Con số này lớn hơn nhiều mức giảm 8% đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong cùng kỳ, dù các ngân hàng chính sách Trung Quốc vẫn được coi là ngang hàng với chính phủ về mức độ tín nhiệm.

Nguyên nhân có thể là những ngân hàng chính sách này có tham gia cấp vốn cho các doanh nghiệp năng lượng của Nga, mà một số nhà đầu tư lo ngại về rủi ro họ bị phương Tây trừng phạt, theo giới phân tích.

Một số nhà quan sát thị trường suy đoán rằng ngân hàng trung ương Nga cũng bán các tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ để thu tiền mặt về sau khi phần lớn dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng.

Tuy nhiên, Viện Tài chính Quốc tế ước tính các ngân hàng trung ương chỉ chiếm 10% trong đợt rút vốn diễn ra vào quý I năm nay. “Kết luận sơ bộ của chúng tôi là dòng vốn lớn rút khỏi trái phiếu chính phủ Trung Quốc không phải đến từ việc các ngân hàng trung ương thế giới quản lý lại dự trữ ngoại hối”.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản cũng như gián đoạn hoạt động kinh tế do chính sách zero COVID của Trung Quốc là hai yếu tố kích thích dòng vốn chảy ra.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 3.3% trong năm nay, từ mức 8.1% của năm 2021.

Cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hong Kong cũng bị bán tháo tương tự. Cổ phiếu bị bán ròng 3 lần trong năm nay và trong tháng 9, tổng giá trị cổ phiếu bị bán ròng là 11.2 tỷ nhân dân tệ. Nếu tính chung 9 tháng đầu năm nay, cổ phiếu Trung Quốc vẫn được mua ròng, nhưng giá trị mua ròng giảm 82% xuống thấp nhất 6 năm ở 52.2 tỷ nhân dân tệ.

Các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận dòng vốn tháo chạy tăng lên 3.6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, lớn nhất kể từ năm 2008, theo công ty nghiên cứu With Intelligence.

Đồng nhân dân tệ tại thị trường Hong Kong đang chịu áp lực giảm rất lớn. Tháng 9, đồng tiền này xuống thấp nhất so với USD kể từ năm 2010.

Xiao Chun Xu, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Chính sách zero COVID của Trung Quốc là yếu tố khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài e ngại. Tâm lý tìm kiếm nơi đầu tư an toàn trên thị trường sẽ khiến đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa”.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Samsung ước lãi quý 3 giảm hơn 30% giữa “bão” lạm phát toàn cầu (07/10/2022)

>   Siêu ứng dụng “X” của tỷ phú Elon Musk có thể giống WeChat (07/10/2022)

>   Thách thức mới của các ngân hàng trung ương châu Á (07/10/2022)

>   Vàng thế giới giảm chờ dữ liệu việc làm tại Mỹ (07/10/2022)

>   Dầu tiếp tục tăng sau khi OPEC+ thống nhất cắt giảm sản lượng (07/10/2022)

>   5 nước ASEAN sẽ kết nối hệ thống thanh toán vào năm 2023 (06/10/2022)

>   Lãi suất thế chấp của Mỹ đạt mức cao nhất trong 16 năm (06/10/2022)

>   Vàng thế giới giảm khi đồng USD và lợi suất khởi sắc (06/10/2022)

>   Dầu vọt lên đỉnh 3 tuần khi OPEC+ thống nhất cắt giảm sản lượng (06/10/2022)

>   Châu Á có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới, sở hữu tổng cộng 3.5 ngàn tỷ đô tài sản (05/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật