Dầu giảm do lo ngại về khả năng suy thoái
Giá dầu giảm vào ngày thứ Hai (10/10), khi nhà đầu tư cân nhắc những bất ổn kinh tế có thể báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu, và làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu, lấn át khả năng nguồn cung khan hiếm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 69 xu (tương đương 0.7%) xuống 97.23 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 36 xu (tương đương 0.4%) còn 92.57 USD/thùng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Chicago, Charles Evans, cho biết Fed có sự thống nhất mạnh mẽ về việc nâng lãi suất lên khoảng 4.5% vào tháng 3/2023 và giữ ở mức đó.
Lãi suất cao liên tục, nhằm mục đích cho ngân hàng trung ương Mỹ có thời gian để đánh giá tác động của lạm pháp và cho phép các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn có thể khơi thông, đã kìm hãm giá dầu.
Giá dầu cũng gặp khó khăn khi đồng USD mạnh hơn, tăng 4 phiên liên tiếp. Đồng USD mạnh hơn làm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.
Triển vọng nguồn cung dầu của OPEC+ khan hiếm đã kìm hãm đà sụt giảm của giá dầu. Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy lãnh đạo trên thực tế của nhóm OPEC+, Ả-rập Xê-út, sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng châu Á ở mức đầy đủ đã làm giảm kỳ vọng về ảnh hưởng của động thái cắt giảm.
Một nguồn tin cho hay Saudi Aramco đã nói với ít nhất 7 khách hàng ở châu Á rằng họ sẽ nhận được đầy đủ khối lượng hợp đồng dầu thô vào tháng 11 trước khi mùa đông vào cao điểm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã quyết định hồi tuần trước sẽ giảm mục tiêu sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày.
Hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đã có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022 sau khi quyết định cắt giảm được công bố.
Tuy nhiên, việc cắt giảm đã thúc đẩy một loạt hoạt động trên thị trường quyền chọn – nhưng với nhiều người đặt cược ở Mỹ chọn lập trường giá giảm, dữ liệu từ CME Group cho thấy.
Những lo ngại về nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ, lấn át khả năng nguồn cung có thể khan hiếm hơn khi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần trước đã thông qua kế hoạch của G7 áp trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Các chuyên gia phân tích cảnh báo, gói trừng phạt phức tạp mới có thể khiến nguồn cung dầu thô của Nga ngừng hoạt động.
Fitch Ratings cho biết vào ngày thứ Hai: “Triển vọng kinh tế suy thoái sẽ khiến nhu cầu thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự biến động giá vẫn ở mức cao trong ngắn hạn do các yếu tố địa chính tri, chẳng hạn như các biện pháo trừng phạt sẽ dẫn đến suy giảm xuất khẩu dầu Nga”.
Các yếu tốc chính trị có thể làm thay đổi nguồn cung và gây ra biến động giá lớn.
Trong khi đó, hoạt động dịch vụ ở Trung Quốc trong tháng 9 thu hẹp lần đầu tiên trong 4 tháng khi các biện pháp phong toả Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu và niềm tin kinh doanh.
Sự suy thoái ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, đã làm tăng thêm lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu có thể xả ra do nhiều ngân hàng trung ương nâng lãi suất để đối phó lạm phát cao.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|