Thứ Bảy, 22/10/2022 08:33

Bộ trưởng Công Thương kiểm tra tổng kho xăng dầu, lộ nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu

Tại buổi kiểm tra xăng dầu tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã tiết lộ nhiều thông tin khá quan trọng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối và việc các doanh nghiệp không nhập khẩu, không đảm bảo dự trữ kéo theo sự rối nguồn cung thời gian qua.

Thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác vừa có buổi làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi kiểm tra.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex - cho biết, tập đoàn đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước có những cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, ngay trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, Petrolimex đã phải chấp nhận mua cả hàng không ưu đãi, chịu mức thuế cao để đảm bảo nguồn cung trong nước. Đặc biệt Petrolimex đã quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống đảm bảo cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối.

“Với nhu cầu tháng 11, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn sớm ngay từ những ngày đầu tháng 10. Tập đoàn đã lên kế hoạch và mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu của tháng 11. Đồng thời vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các nhà cung cấp để mua cho nhu cầu còn lại trong năm 2022” - ông Thanh cho hay.

Theo lãnh đạo Petrolimex, với việc bảo quản hàng dự trữ quốc gia, tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến định mức bảo quản thấp, không đủ trang trải chi phí... Vì vậy hàng dự trữ quốc gia còn để chung với hàng kinh doanh. Tập đoàn đề nghị xem xét điều chỉnh đơn giá bảo quản cho phù hợp với chi phí của doanh nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ cải tạo, nâng cao sức chứa tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè để tăng sức chứa bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.

Đề cập đến vấn đề thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tiết lộ nhiều thông tin khá quan trọng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối. Theo ông Linh, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh phía Nam.

“Qua kiểm tra cho thấy, trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có một doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định. Ngoài ra có 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại. Thậm chí có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao” - ông Linh cho hay.

Cơ quan chức năng kiểm tra bể chứa của một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ ra những bất cập hiện nay trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo ông Diên, trong số hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước, qua thống kê có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1%. Đặc biệt, quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là TPHCM và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Diên cũng đề nghị Petrolimex và các doanh nghiệp thành viên cần nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Tập đoàn phải tổ chức, xếp lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, tăng chế độ trách nhiệm cá nhân mỗi khâu và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm. Trong mọi tình huống không để xảy ra đứt gãy nguồn cung, đứt gãy hệ thống phân phối hay thiếu hụt dự trữ chiến lược quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia, để từ tháng 1/2023 toàn bộ hoạt động từ các doanh nghiệp sản xuất cho đến các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải được quản lý, giám sát bằng hệ thống này.

Phạm Tuyên

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Dầu tăng khi hy vọng về nhu cầu Trung Quốc lấn át lo ngại về suy thoái (22/10/2022)

>   Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho xăng dầu: Bộ Tài Chính nói gì? (21/10/2022)

>   Bộ trưởng Công Thương: Chỉ hơn 1% cây xăng không hoạt động (21/10/2022)

>   Giá xăng, dầu tiếp tục tăng từ 15h ngày 21/10 (21/10/2022)

>   Bộ Công an vào cuộc vụ 2 doanh nghiệp không nộp tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu (21/10/2022)

>   Doanh nghiệp xăng dầu: Chiết khấu vẫn thấp, hàng khó mua (21/10/2022)

>   Dầu gần như đi ngang (21/10/2022)

>   Sở Công Thương TP.HCM: Một số cây xăng vẫn hết hàng (20/10/2022)

>   Bộ Công Thương hỏa tốc đề xuất loạt giải pháp 'cứu' doanh nghiệp xăng dầu đang gặp khó khăn (20/10/2022)

>   Phát hiện 6 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ, nhập khẩu xăng dầu (20/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật