Áp lực lạm phát, DN dệt may tìm cách ứng phó khi đơn hàng sụt giảm
Khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm đồng thời chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa nhằm thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi.
Doanh nghiệp dệt may áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Lạm phát tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong nước.
Trước những bất lợi của thị trường, không ít đơn vị đã phải giãn, giảm giờ làm, đẩy mạnh tiết giảm chi phí và tối ưu hóa lại quá trình sản xuất nhằm, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Điều tiết để duy trì guồng máy sản xuất
Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty May 10 đạt được kết quả khá ấn tượng. Sự hồi phục sức mua sau đại dịch COVID-19 đã giúp tăng trưởng các sản phẩm may mặc của Công ty ở mức rất cao, trong đó tổng doanh thu sau 8 tháng đạt hơn 3.128 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, mọi thứ gần như đảo chiều trong ba tháng cuối năm khi lượng đơn hàng mới có hết tháng 10, còn từ tháng 11 trở đi, lượng đơn hàng bị thiếu khoảng 30 đến 35%.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long, một số đơn vị còn bị ép giá xuống tới 20-30%, điều đó bắt buộc doanh nghiệp phải tính toán, nhận hàng làm để duy trì nguồn lao động, ổn định sản xuất.
Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát ở nhiều nước tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng giảm, các nhãn hàng lớn đang phải đối diện với lượng hàng tồn kho lớn. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã sản xuất xong nhưng khách xin hoãn, giãn thời gian giao hàng vì không có kho chứa. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn trước những biến động khó lường của thị trường.
Cũng theo đại diện May 10, để hoàn thành mục tiêu đạt tổng doanh thu 3.800 tỷ đồng, doanh nghiệp đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp thích ứng như tiết giảm các khoản chi phí, đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội, mở rộng đối tác khách hàng và điều chỉnh giảm giờ làm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng suất nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Tuy nhiên, đó cũng chỉ trong ngắn hạn, bởi doanh nghiệp đang phải cân đối, lấy phần tích lũy của tám tháng qua nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, lúc đó doanh nghiệp sẽ càng kiệt quệ, không đủ nguồn lực để ổn định sản xuất,” ông Bạch Thành Long nói.
Tương tự, với May Hưng Yên, lượng đơn hàng phục vụ sản xuất cũng không dồi dào như nhiều năm trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, nhiều doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm đang bị “đói” đơn hàng.
Theo đó, có đơn vị chỉ mới ký được đơn hàng hết tháng 10, trong khi từ tháng 11 và tháng 12 tiếp tục khó khăn do tình hình các nước trên thế giới đối diện lạm phát cao dẫn đến lượng mua giảm.
Ông lý giải, nếu như trước đây khách thường đặt cho cả mùa vụ thì nay họ còn phải nghe ngóng thị trường và đặt hàng trong thời gian ngắn sau khi phân tích, nghiên cứu kỹ xu thế thị trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hugaco cũng cho biết, trong 12 đơn vị trực thuộc, ngoài một số đơn vị đã đủ hàng hết năm, đa phần còn lại mới đạt khoảng 50-60% trong tháng 11, còn tháng cuối năm vẫn đang phải trông chờ, đàm phán, tìm kiếm khách hàng.
"Mặc dù doanh thu 9 tháng qua vẫn đạt kết quả tốt, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ nhưng trước những khó khăn như vậy, doanh nghiệp xác định phải lấy lợi nhuận, phần tích lũy để dành nhằm bù đắp cho phần thiếu hụt," đại diện Hugaco chia sẻ.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh, cho biết dù sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong 8 tháng tương đối thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Song từ tháng 9 trở đi, lượng đơn hàng thiếu hụt, giảm 30% so với mọi năm, điều đó đã đẩy doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì vậy, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải cắt giảm các khoản chi phí, tăng năng suất bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thích ứng với biến động của thị trường
Đánh giá tình hình chung, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 8 tháng qua đạt gần 31 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khả quan khi xuất siêu đạt 13,3 tỷ USD và là tiền đề để ngành cán đích 43,5 đến 44 tỷ USD cả năm.
Tuy nhiên, do tình hình khó đoán định của thị trường cùng với diễn biến khó lường của dịch bệnh, mức tăng trưởng GDP của những thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... không đạt như dự kiến, đặc biệt tình hình lạm phát cao đã tác động mạnh đến cuộc sống của người dân khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Cũng theo ông Cẩm, mặc dù giá thấp song một số doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đơn hàng để duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. “Để ứng phó với các khó khăn, doanh nghiệp phải linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, thị trường,” đại diện Vitas cho hay.
Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong 8 tháng 2022.
|
Trong khi đó, trước tình trạng đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm, không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để đảm bảo việc ổn định cho người lao động.
Cập nhật về hoạt động sản xuất-kinh doanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, cho biết với những biến động đảo chiều liên tục của thị trường hiện nay cùng với, tình hình thế giới đối mặt với lạm phát cao... Do đó các doanh nghiệp trong ngành cần phải hết sức thận trọng, dự báo sát thị trường và có giải pháp tối ưu để giữ thành quả đạt được.
Ông cũng lưu ý các đơn vị cần tập trung quản trị chặt chẽ, chi phí tiết kiệm tối đa ở tất cả các khâu; cần kiểm soát tài chính, dòng tiền thông suốt, có số liệu sớm để có thể thực hiện hỗ trợ nội bộ cho các đơn vị gặp khó khăn.
Các đơn vị phải tận dụng triệt để cơ hội dùng được sản phẩm của nhau, nhất là khâu may, dệt kim sử dụng vải của các đơn vị dệt kim với sự điều hòa chung của tập đoàn, mục tiêu giành được đơn hàng và vị trí trong chuỗi cung ứng.
Lãnh đạo Vinatex lưu ý cần triệt để số hóa dữ liệu chung, đặc biệt là dữ liệu tồn kho, nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất-kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, cần tính toán cụ thể về ảnh hưởng của phương án kinh doanh, bán hàng và những thiệt hại trong trường hợp chạy máy không đạt công suất; chấp nhận rủi ro có cân nhắc, phải duy trì mục tiêu lâu dài, giữ được lao động và khách hàng truyền thống./.
Đức Duy
Vietnam+
|