Anh: Tiêu dùng yếu và lạm phát, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa
Hơn 250.000 doanh nghiệp trên khắp nước Anh buộc phải đóng cửa trong thời gian qua do không đủ sức chống chọi “bão” lạm phát và nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa khác, có nguy cơ đẩy các khu vực của châu Âu vào cơn suy thoái trong mùa đông năm nay. Nhiều nhà máy trên khắp lục địa đã phải hạn chế sản xuất vì giá khí đốt tăng cao, khiến hoạt động sản xuất không có lãi. Một số chính phủ trong khu vực đã sốt sắng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách giới hạn chi phí hóa đơn năng lượng.
Hàng ngàn doanh nghiệp ở Anh, bao gồm chuỗi quán rượu và bia thủ công BrewDog, buộc phải đóng cửa do chi phí tăng cao, triển vọng kinh doanh u ám -Ảnh: Zuma Press
|
Tại Anh, làn sóng đóng cửa doanh nghiệp đang lan rộng khắp đất nước trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép lớn. Bị bủa vây giữa một bên là chi phí tăng cao và một bên là nhu cầu của khách hàng suy yếu, các quán cà phê và tiệm bánh, nhà máy bia và nhà sách, quán rượu và cửa hàng cá và khoai tây chiên ở Anh buộc dừng hoạt động.
Hơn 250.000 doanh nghiệp ở Anh dừng kinh doanh trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn 16% so với nửa đầu năm 2021 và nhiều hơn 40% so với sáu tháng đầu của năm 2019, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS). Đây là con số doanh nghiệp lớn nhất dừng hoạt động được ghi nhận trong khoảng thời gian qua.
Dữ liệu đóng cửa doanh nghiệp ở Anh trong quí từ tháng 7 đến tháng 9 chưa được công bố cho đến cuối tháng này. Nhưng nhiều nhà phân tích nhận định tốc độ đóng cửa doanh nghiệp thậm chí còn tăng nhanh hơn trong quí vừa qua.
Hầu hết những trường hợp đóng cửa đó là các doanh nghiệp nhỏ. Các con số ONS không nêu chi tiết quy mô của doanh nghiệp đóng cửa. Nhưng 95% trong tổng số 5,6 triệu doanh nghiệp ở Anh trong năm 2021 có 9 nhân viên trở xuống, theo Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh.
Rất khó để so sánh các con số doanh nghiệp đóng cửa giữa các nước châu Âu nhưng dữ liệu của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cho thấy số doanh nghiệp phá sản, một nhóm nhỏ trong số doanh nghiệp đóng cửa nói chung, không gia tăng đáng kể ở phần lớn phần còn lại của châu Âu. Tại Pháp, quốc gia có số liệu báo cáo tương tự như ở Anh, 183.530 doanh nghiệp đã đóng cửa trong sáu tháng đầu năm, tăng gần 1/3 so với nửa đầu năm 2021, theo dữ liệu từ các tòa án thương mại của Pháp.
Các doanh nghiệp ở Anh gần đây phải đối mặt với những căng thẳng mới. Một gói cắt giảm thuế lớn đáng ngạc nhiên, được chính phủ Anh công bố vào cuối tháng trước, làm chao đảo các thị trường, càng khiến triển vọng kinh doanh u ám thêm đối với các giám đốc điêu hành và chủ doanh nghiệp. Người tiêu dùng Anh đã dừng mua nhiều thứ không cần thiết và họ có xu hướng trì hoãn các quyết định mua có giá trị lớn, chẳng hạn như ô tô, đồ đạc và các kỳ nghỉ tốn kém.
Trong tháng 9, niềm tin của người tiêu dùng ở Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Công ty nghiên cứu thị trường GfK bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1974. “Người tiêu dùng đang phải chống chọi áp lực của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng”, Joe Staton, Giám đốc chiến lược khách hàng của GfK, cho biết. Niềm tin của người tiêu dùng ở Liên minh châu Âu (EU) cũng ở mức thấp kỷ lục, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết vào tuần trước.
Số doanh nghiệp ở Anh đóng cửa hàng quí, tính theo đơn vị ngàn – Ảnh: WSJ
|
Đại dịch Covid-19 đã gây căng thẳng cho nhiều doanh nghiệp ở Anh dù một phần trong số họ được chính phủ hỗ trợ tài chính. Sau khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ, nhu cầu cải thiện và giá cả bắt đầu tăng vọt do tình trạng thắt nút cổ chai trong các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chiến tranh đã khiến áp lực lạm phát tăng cao ở Anh.
“Hoạt động kinh doanh quá bất ổn”, hiệu sách Outwith Books, có trụ sở tại Glasgow, cho biết khi thông báo đóng cửa vào tháng trước. Tại Leeds, nhà máy bia Nomadic Beers cho hay không thể tiếp tục sản xuất vì chi phí của mọi thứ từ năng lượng đến nguyên liệu đều gia tăng. Station Masters, một cửa hàng bán cá và khoai tây chiên ở thị trấn Bingley, miền bắc nước Anh, nói rằng cửa hàng buộc phải đóng cửa do chi phí thực phẩm và hóa đơn năng lượng tăng cao.
Các công ty khác đang thu hẹp hoạt động để trụ lại trong thời kỳ khó khăn. Tháng trước, chuỗi quán rượu và bia thủ công đa quốc gia BrewDog, có trụ sở ở Scotland, cho biết đã đóng cửa sáu quán rượu ở Anh do chi phí tăng cao. “Nếu tình hình không cải thiện, nước Anh có thể sẽ mất một nửa số quán rượu và quán bar”, James Watt, Giám đốc điều hành BrewDog, viết trong một bài đăng trên LinkedIn khi thông báo về việc đóng cửa.
Đối với những công ty còn hoạt động, họ sẽ đối mặt với viễn cảnh nhu cầu tiêu dùng thậm chí còn yếu hơn khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất để chống lạm phát. Lãi suất tăng, kéo theo lãi vay thế chấp và hóa đơn thẻ tín dụng tăng, có nguy cơ làm suy yếu nguồn lực tài chính của các hộ gia đình.
Sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, Cheryl Calverley, Giám đốc điều hành Eve Sleep, nhà kinh doanh chăn ga gối nệm, lên kế hoạch phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và đặt mục mục tiêu doanh số bán nệm sẽ tăng 1/3 so với năm trước.
Calverley nói: “Thế rồi, xung đột Nga-Ukraine nổ ra, và mọi thứ nhanh chóng chệch hướng”. Chi phí nguyên liệu cho các sản phẩm như nệm và khung giường, đã tăng trong năm ngoái. Sau khi cuộc chiến ập đến, chi phí năng lượng cũng tăng lên. Calverley cho biết khách hàng của Eve Sleep đối mặt với những hóa đơn tăng vọt tương tự, vì vậy, họ đã hạn chế chi tiêu cho những mặt hàng khác. Thay vì đạt mức tăng trưởng dự báo, doanh số của Eve Sleep giảm 16% trong nửa đầu năm 2022.
Công ty đã cắt giảm một nửa số nhân viên, từ 60 xuống còn 30. Tiền mặt của Eve Sleep giảm xuống còn 1 triệu bảng vào cuối tháng 8, giảm từ 5,2 triệu bảng vào cuối tháng 6-2021. Giờ đây, Calverley đang tìm kiếm nhà đầu tư hoặc người mua lại công ty.
Khánh Lan
TBKTSG
|