Dow Jones tăng tiếp hơn 700 điểm, chứng khoán châu Âu cũng dậy sóng 3%
Chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng vọt trong ngày 04/10 khi Phố Wall tiếp tục nỗ lực hồi phục và lợi suất trái phiếu giảm thêm.
Tính tới lúc 21h45 ngày 04/10 (giờ Việt Nam), Dow Jones tăng 731 điểm (tương đương 2.5%), S&P 500 tiến 2.7% và Nasdaq Composite cộng 3.1%. Đà tăng ngày 04/10 giúp S&P 500 leo dốc 5.1% trong tuần qua và sắp ghi nhận 2 phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Ở châu Âu, chỉ số Stoxx 600 vọt 2.68%, DAX leo dốc 3.25%, CAC tiến 3.88% và FTSE MIB cộng 2.93%.
Thị trường khởi đầu tháng 10/2022 rất mạnh mẽ, mang lại sự giải tỏa phần nào cho giới đầu tư sau tháng 9 đỏ lửa. Trong phiên trước đó, Dow Jones cũng tăng 765 điểm, S&P 500 tiến 2.6% và Nasdaq Composite cộng 2.3%.
“Sau khi rớt hơn 9% trong tháng 9 và nới rộng mức giảm trong năm 2022 lên gần 25%, chúng tôi nghĩ S&P 500 đang trong trạng thái quá bán”, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho hay. “Bên cạnh đó, một số áp lực bán trong tuần trước đến từ việc tái cân bằng danh mục vào cuối quý, giờ thì hết rồi”.
“Trong bối cảnh tâm lý về cổ phiếu đang rất yếu, thị trường có thể ghi nhận những đợt hồi phục ngắn”, ông nói thêm. “Tuy nhiên, thị trường rồi sẽ biến động mạnh trong ngắn hạn, chủ yếu là vì kỳ vọng xoay quanh lạm phát và chính sách tiền tệ”.
Tâm lý nhà đầu tư đã cải thiện trong 2 phiên qua, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh từ đỉnh 10 năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3.615% trong ngày 04/10, thấp hơn mức 4% trước đó.
Ngoài ra, cổ phiếu Credit Suisse – ngân hàng đang vướng tin đồn về thanh khoản – đã tăng hơn 4%. Điều này cũng giúp xoa dịu tâm lý thị trường.
Liên Hợp Quốc kêu gọi các NHTW dừng nâng lãi suất để tránh suy thoái
Trong báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá Fed có thể gây tổn thương đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng. Cơ quan này ước tính Fed cứ nâng lãi suất tham chiếu thêm 1%, GDP các nước giàu khác sẽ mất 0.5%, còn GDP các nước nghèo sẽ giảm 0.8% trong 3 năm tới.
UNCTAD ước tính việc Fed tăng lãi suất trong năm nay sẽ khiến GDP các nước nghèo mất 360 tỷ USD trong vòng 3 năm. Cùng với đó, việc tiếp tục thắt chặt chính sách chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại.
"Vẫn còn thời gian để chúng ta lùi lại khỏi bờ vực suy thoái. Chúng ta có các công cụ để hạ nhiệt lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương", Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhận xét. "Nhưng hành động hiện tại gây thiệt hại cho những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, từ đó có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái".
UNCTAD cho biết tăng lãi suất không thể xoa dịu tình trạng thiếu năng lượng và lương thực. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào các biện pháp như áp giới hạn giá năng lượng, lấy ngân sách từ thu thuế lợi nhuận đột biến của các công ty năng lượng.
"Làm sao có thể giải quyết vấn đề từ phía cung bằng giải pháp từ phía cầu? Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách tiếp cận rất nguy hiểm", Richard Kozul-Wright, Trưởng nhóm phụ trách báo cáo của UNCTAD, nhận định.
UNCTAD cho hay thỏa thuận giữa Nga và Ukraine trong tháng 7 - giúp hơn một triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa của Ukraine được xuất khẩu qua Biển Đen - đã giúp giá ngũ cốc thế giới giảm 1.4%.
Cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 2.6% xuống 2.5%, trong khi năm 2023 cũng giảm xuống 2.2%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|