Washington Post: Cơn sốt than, củi và lò đốt khi người dân châu Âu đối diện "mùa đông không khí đốt Nga"
Kẻ trộm ra sức đánh cắp những khúc gỗ đã đã được xếp lên xe tải; những kẻ lừa đảo mở những website “ma” giả làm người bán củi để lừa những người tiêu dùng đang tuyệt vọng xoay sở. Lò đốt củi tại một số nước đã cháy hàng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: WP.
|
Jorg Mertens hiểu rằng cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây đã khiến giá năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu. Dù vây, hoá đơn năng lượng tháng 8 mà Mertens nhận được vẫn khiến ông sửng sốt tột độ.
Số tiền mà Mertens phải trả đã tăng tới 70%. “Tôi thấy phát sợ”, người đàn ông 60 tuổi sống ở Munich, Đức này nói trong cuộc trao đổi với phóng viên tờ Washington Post. Sau khi trừ đi tiền thuê nhà và số tiền khoảng 190 USD phải trả hoá đơn tiền điện và nhiệt sưởi - so với mức 112 USD trước đây - Mertens chỉ còn lại 366 USD để mua thực phẩm, thuốc men và đi lại trong vòng 1 tháng, giữa lúc nước Đức đang đương đầu với tốc độ lạm phát tồi tệ nhất từ thập niên 1970.
“Tôi sẽ phải mua thực phẩm ít đi”, ông Mertens cho biết và tiết lộ mình có bệnh về cột sống và chỉ dựa vào lương hưu. “Đến mùa đông, không biết tôi sẽ trả tiền thuê nhà như thế nào”.
''Củi đã trở thành một loại vàng mới''
Đối với châu Âu, khu vực có những quốc gia vào hàng giàu nhất thế giới, sự suy giảm của nguồn cung khí đốt Nga đang góp phần tạo ra một “quả bom” lạm phát dội vào túi tiền của người tiêu dùng. Tại những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng này, gồm Đức, Anh, Italy và Hà Lan, người tiêu dùng đang phải trả hoá đơn năng lượng tăng tới 210% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chức và các nhà phân tích đã cảnh báo về khả năng phải chia khẩu phần khí đốt theo định mức và nguy cơ xảy ra tình trạng mất điện tại nhiều nước châu Âu trong mùa đông năm nay.
Ở Anh, nhiều người kẹt tiền đang phải từ bỏ những con thú cưng của mình, trong khi các trường học cảnh báo rằng giá năng lượng tăng chóng mặt đồng nghĩa họ không thể tiếp tục mua sách giáo khoa mới. Ở Ba Lan, giới chức đang cân nhắc việc phân phát khẩu trang chống khói mùi vì người dân nước này phải tính đến chuyện đốt rác để sưởi ấm trong mùa đông sắp đến. ở Đức, cư dân ở khu vực phía Tây Berlin đang phải lấy ra những lò đốt than và củi có từ thời chiến tranh lạnh để chuẩn bị cho những tháng mùa đông lạnh giá.
Một số nước châu Âu đang phải đương đầu với tình trạng khan hiếm và giá cả tăng vọt của một loại nhiên liệu mà thường chỉ “bần cùng bất đắc dĩ” họ mới phải dùng tới, đó là củi. Nhận thấy cơ hội, kẻ trộm ra sức đánh cắp những khúc gỗ đã đã được xếp lên xe tải; những kẻ lừa đảo mở những website “ma”, giả làm người bán củi để lừa những người tiêu dùng đang tuyệt vọng xoay sở. Lò đốt củi tại một số nước đã “cháy hàng”.
Khi mùa đông đến gần, tổn thất kinh tế chính là “bài kiểm tra” đối với quyết tâm của EU trong việc trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine - Washington Post nhận định.
|
“Củi đã trở thành một loại vàng mới”, ông Franz Luninghake, 62 tuổi, một nhà quản trị hệ thống ở Bremen, Đức, nhận định. Ông cho biết đã chuẩn bị sẵn một lò đốt củi và ước tính rằng hoá đơn năng lượng của ông trong năm tới sẽ là 4.500 USD, từ mức 1.500 USD trong vòng 1 năm tính đến tháng 5 năm nay.
Ông Nobert Skrobek, một kỹ thuật viên chuyên kiểm tra và tư vấn về lò sưởi đốt bằng than và củi, cho biết nhu cầu đã tăng vọt ở Berlin về cải tạo những lò cũ và lắp đặt lò mới. Ông lo ngại rằng việc người dân đổ xô đi mua lò sưởi di động có thể dẫn tới những vụ rò rỉ khí carbon monoxide nguy hiểm nếu lò không được lắp đặt và sử dụng đúng cách. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ phải cấp cứu một số người trong mùa đông năm nay”, ông nói.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng này, các nước châu Âu đang ra sức giảm tiêu thụ, làm đầy dự trữ và tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga, đồng thời chi hàng trăm tỷ Euro để hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế, Chính phủ Đức thậm chí đang đưa thêm hàng trăm nghìn người vào danh sách hưởng phúc lợi nhà ở.
Tuy nhiên, các biện pháp này khó có thể bù đắp hoàn toàn được sự gia tăng chóng mặt của chi phí, khiến giới phân tích cảnh báo về sự gia tăng của nghèo đói, tình trạng sa sút của tầng lớp trung lưu, nợ chính phủ gia tăng và những tổn hại to lớn đối với môi trường.
Dù nguyên nhân chính là nguồn cung suy giảm của khí đốt Nga - dòng nhiên liệu vốn giữ vai trò chủ lực cho việc phát điện và sưởi ấm ở châu Âu, sự leo thang của giá cả ở khu vực này còn thêm phần trầm trọng bởi những trở ngại khác, bao gồm việc đóng cửa theo lộ trình các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp để sửa chữa. Chính phủ Pháp đã cảnh báo người dân về khả năng phải cắt điện luân phiên vào cuối năm nay. Để tiết kiệm năng lượng, tháp Eiffel - biểu tượng của “kinh đô ánh sáng” Paris - tắt điện vào 11h45 tối hàng ngày, thay vì sáng đến 1h sáng như thường lệ.
Người dân châu Âu vốn đã phải chi trả cho sự dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh thông qua việc đóng các khoản thuế và phí trên hoá đơn năng lượng của họ, với mức chi trả cao hơn so với người tiêu dùng ở Mỹ. Giờ đây, khoảng cách này ngày càng lớn hơn. Khi mùa đông đến gần, tổn thất kinh tế chính là “bài kiểm tra” đối với quyết tâm của EU trong việc trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine - Washington Post nhận định.
Hàng trăm tỷ Euro tiền cứu trợ chỉ như ''muối bỏ bể''
Giá cả tăng vọt đã trở thành một vấn đề chính đối với các chính đảng ở châu Âu vốn có mối quan hệ nồng ấm với Moscow, gây ra ở những quốc gia vốn thận trọng với lạm phát mối hoài nghi về tính sáng suốt của các biện pháp trừng phạt. Ông Matteo Salvini - thủ lĩnh Đảng Liên đoàn cánh hữu ở Italy, một đảng thuộc liên minh có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng này - mới đây cho rằng người dân Italy đang phải trả mức giá quá cao. Phe cực hữu ở Đức, nhìn chung có quan điểm thân Nga, đang kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối giá năng lượng cao ngất ngưởng.
Đối với một mùa đông khó lường, người tiêu dùng châu Âu đang bất an hơn bao giờ hết.
Một khảo sát ở Anh gần đây cho thấy gần 1/4 số người được hỏi có ý định tắt sưởi trong mùa hè này. Anh không phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga nhiều như các nước láng giềng ở châu Âu, vì khí đốt Nga chỉ chiếm chưa đầy 4% nguồn cung khí đốt của Anh. Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã bị đảo lộn do giá tăng vọt và sự khan hiếm nguồn cung ở nơi khác. Vì vậy, giá khí đốt ở Anh đã tăng 96% và giá điện đã tăng 54% trong 7 tháng đầu năm nay.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh, bà Liz Truss tuyên bố đóng băng hoá đơn năng lượng của người tiêu dùng nước này trong 2 năm. Theo đó, bình quân, mỗi hộ gia đình ở Anh sẽ phải trả không quá 2.885 USD cho năng lượng mỗi năm, tiết kiệm hơn 1.000 USD mỗi năm so với giá thị trường. Tất nhiên, phần chênh lệch này sẽ được bù đắp bằng ngân sách chính phủ.
“Tôi hình dung mọi chuyện có thể tồi tệ đến mức mọi người mang đồ đạc trong nhà ra đốt”.
Ông Nikoletta Kelemen, một người Hungary
|
Ông Ed Trewhitt, 55 tuổi, chủ cửa hàng bánh Brickyard Bakery ở Guisborough, Anh, nói rằng sự hỗ trợ này không đủ để cứu doanh nghiệp của ông. Nếu giá năng lượng giữ ở mức cao như thế này, ông sẽ buộc phải đóng cửa trong năm tới. Chi phí để vận hành lò bánh mì của ông đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm trở lại đây, lên mức 2.300 USD mỗi tháng, trong bối cảnh lạm phát ở Anh bùng nổ lên mức cao nhất 40 năm.
“Giá năng lượng đang chát quá, và giá mọi thứ khác cũng đều tăng. Chi phí mua bột mì đã tăng 80% trong 1 năm qua. Tình hình này không thể kinh doanh bền được”, ông Trewhitt nói.
Ngay giữa cái nóng thiêu đốt của mùa hè năm nay ở châu Âu, người tiêu dùng với tâm trạng hoảng sợ đã bắt đầu tích trữ củi từ vài tuần trước, khiến giá củi tăng vọt.
Tại khu làng Ag ở Hungary, ông Nikoletta Kelemen cho biết giá củi đã tăng gần gấp đôi. Một cây gỗ củi hiện có giá tương đương khoảng nửa mức lương tháng bình quân 249 USD của mỗi người dân trong làng. “Tôi hình dung mọi chuyện có thể tồi tệ đến mức mọi người mang đồ đạc trong nhà ra đốt”, ông Kelemen nói.
Nạn trộm gỗ tại những khu rừng ở vùng Stuttgart, Đức, đang gia tăng chóng mặt, theo ông Gotz Bulow von Dennewitz - người quản lý rừng tại khu vực này cho biết. “Kẻ trộm đi xe đầu kéo hoặc máy kéo, cùng với một xe tải và cần cẩu. Chúng dùng thiết bị chuyên nghiệp để đốn gỗ rồi mang đi. Thực sự táo tợn”, ông nói.
Tháng 9 này, Chính phủ Đức triển khai một gói hỗ trợ 65 tỷ Euro để giúp các hộ gia đình khó khăn, và đây là gói cứu trợ thứ 3 chỉ trong vòng 7 tháng. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng sự hỗ trợ này có thể chỉ là “muối bỏ bể” đối với hàng triệu người đang cần giúp đỡ. Nhà nghiên cứu về đói nghèo Christoph Butterwegge nói những tấm séc cứu trợ phát 1 lần này sẽ không đủ để bù đắp sự leo thang của giá cả. Ông dự báo trong mùa đông này, nhiều hộ gia đình ở Đức sẽ phải dùng 20-30% thu nhập để trả hoá đơn năng lượng, và tỷ lệ đói nghèo năng lượng sẽ tăng mạnh. Ở Đức, đòi nghèo năng lượng (energy poverty) được định nghĩa là khi một hộ phải trả hơn 10% thu nhập ròng cho điện và nhiệt sưởi.
“Sẽ có những người nghèo phải lựa chọn giữa một bên là cảnh đói và một bên là cảnh bị lạnh cóng”, ông Butterwegge nói.
Người Đức ''vạ lây''?
Ở khu Kreuzberg của Berlin vào buổi sáng một ngày gần đây, nhà khoa học 41 tuổi Vinzenz Schonfelder đứng nhìn trong lúc kỹ thuật viên Skrobek kiểm tra chiếc lò sưởi đã cũ của gia đình. Được xây từ thập niên 1880 và đã bỏ không hàng thập kỷ, chiếc lò này trở thành phương án dự phòng cho ông Schonfelder trong trường hợp hết khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông sắp tới.
Kỹ thuật viên Nobert Skrobek đang kiểm tra lò sưởi cho ông Vinzenz Schonfelder - ẢNh: WP.
|
“Điều khiến chúng tôi lo sợ nhất là cung cấp năng lượng không còn ổn định nữa”, ông nói và bày tỏ tâm trạng bất bình đối với điều mà ông cho là người Đức “vạ lây” cuộc đối đầu giữa Washington và Moscow. Lệnh trừng phạt “chẳng khiến chiến tranh kết thúc, và cũng chẳng khiến Nga yếu đi là bao, mà lại khiến Đức bị thiệt hại nặng nề”.
Trong khi đó, “người Mỹ đang dõi theo một cách thoải mái” - ông Schonfelder nhấn mạnh.
An Huy
VnEconomy
|