Dầu giảm 3 tuần liên tiếp
Giá dầu nhìn chung ổn định vào ngày thứ Sáu (16/9) nhưng vẫn ghi nhận mức giảm trong tuần qua, do lo ngại việc nâng lãi suất mạnh dự kiến sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 51 xu lên 91.35 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1 xu lên 85.11 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp, bị ảnh hưởng một phần bởi đồng USD mạnh hơn, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác. Chỉ số đồng USD dao động gần mức cao nhất của tuần trước, trên 110.
Từ đầu quý 3 đến nay, cả dầu Brent và dầu WTI đã sụt 20%, hướng đến ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc nâng lãi suất của Mỹ, trong khi thị trường cũng xáo trộn bởi triển vọng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về mức tăng trưởng nhu cầu dầu gần như bằng 0 trong quý 4 do triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc yếu hơn.
Chuyên gia phân tích Stephen Brennock của PVM nhận định: “Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm tới. Điều này báo hiệu một tin xấu cho phía nhu cầu của dầu và xuất hiện một ngày sau dự báo về nhu cầu dầu của IEA”.
“Lo ngại suy thoái cùng với kỳ vọng lãi suất Mỹ tăng cao đã tạo ra một tổ hợp tiêu cực mạnh”, ông Brennock chia sẻ.
Các chuyên gia phân tích khác cho biết tâm lý thị trường bị ảnh hưởng từ những nhận định của Bộ Năng lượng Mỹ rằng họ không có khả năng tìm cách bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) cho đến sau năm tài chính 2023.
Về phía nguồn cung, thị trường đã tìm thấy một số hỗ trợ do kỳ vọng ngày càng giảm về khả năng quay trở lại của dầu thô Iran khi các quan chức phương Tây hạ triển vọng khôi phục thoả thuận hạt nhân với Tehran.
Giá dầu cũng tìm thấy hỗ trợ trong quý 4 nhờ khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC+, vốn có thể được thoả thuận tại cuộc họp tháng 10 của nhóm, trong khi châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng do sự bất định về nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|