Thứ Ba, 20/09/2022 09:34

Truyền thông Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định và là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, bài viết do 2 tác giả Nuntawun Polkuamdee và Nareerat Wiriyapong thực hiện, nhận định rằng Việt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi, nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đang thu hút các khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài.

Theo bài viết, thị trường chứng khoán của Việt Nam thường mang lại tỷ lệ hoàn vốn cao, trong khi Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng phổ biến hiện nay tại các nước phát triển là lạm phát và lãi suất tăng cao - những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế mới. Trong tháng 8, khi thị trường chứng khoán ở các nước phát triển giảm điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng hơn 4% nhờ dòng vốn tiếp tục chảy vào và các biện pháp kích thích kinh tế do chính phủ đưa ra. Chính sách tiền tệ của Việt Nam được đánh giá tương đối hợp lý, đặc biệt là khi so sánh với các nước phát triển.

Hai tác giả đã viện dẫn dữ liệu của công ty đầu tư One Asset Management (ONEAM) cho biết, có 4 yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch. Gần đây nhất, GDP quý II vừa qua đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5% của quý trước. Sự phục hồi trong tiêu dùng và khu vực dịch vụ sau khi Việt Nam mở cửa trở lại đã góp phần vào sự tăng trưởng đó. Các nhà phân tích của ONEAM tin tưởng rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt từ 6,1- 6,5%. Thứ hai, dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng đã góp phần thúc đẩy dự trữ ngoại hối. Thứ ba, các chính sách cải cách đất đai, chẳng hạn như thẩm định giá đất theo giá thị trường và giới hạn diện tích nông-công nghiệp không quá 20 ha cho mỗi nhà máy, đã phát huy hiệu quả. Các chính sách này được coi là sự đảm bảo rằng đất đai mang lại lợi ích cho đại đa số dân cư mà không phải là của những người giàu có. Cuối cùng, sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam đã sửa đổi các quy định giao dịch chứng khoán bằng cách giảm thời gian thanh toán từ 2 ngày xuống còn 1,5 ngày, qua đó sẽ tạo điều kiện cho việc tung ra các sản phẩm chất lượng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ rõ bên cạnh sự lạc quan, Ngân hàng Thế giới mới đây đã đề cập đến những rủi ro lớn đe dọa triển vọng phục hồi của Việt Nam, bao gồm tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng, đình trệ ở các thị trường xuất khẩu chính, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SAR-CoV-2. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động, nguy cơ lạm phát cao hơn và rủi ro khu vực tài chính gia tăng cũng là những thách thức hiện hữu.

Trong bản báo cáo về kinh tế Việt Nam cập nhật ngày 8/8, Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng: "Trước mắt, về tài khóa, cần tập trung vào việc thực hiện chính sách phục hồi và phát triển cũng như mở rộng mạng lưới an sinh xã hội với mục tiêu giúp đỡ người nghèo và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác trước tác động của cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng".

Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và tăng cường báo cáo cũng như trích lập dự phòng nợ xấu.

Báo cáo lưu ý thêm rằng trong trường hợp lạm phát cơ bản tăng nhanh và chỉ số giá tiêu dùng vượt mục tiêu 4% do chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng siết chặt tiền tệ để dập tắt áp lực lạm phát thông qua việc tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản.

Huy Tiến

TTXVN

Các tin tức khác

>   TS. Hồ Quốc Tuấn: Việt Nam đang trong giai đoạn rất thuận lợi cần tận dụng để tạo ra những bứt phá (19/09/2022)

>   Lý do Ngân hàng Nhà nước khó nới thêm room tín dụng (18/09/2022)

>   Chủ tịch HOREA kiến nghị doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (18/09/2022)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai (18/09/2022)

>   GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Đất đai rơi bị lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng  (18/09/2022)

>   GS.TS Hoàng Văn Cường: Cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải phù hợp với giá trị thị trường đất đai (18/09/2022)

>   CEO HSBC tại Việt Nam: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới (17/09/2022)

>   WB: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi bất chấp lạm phát toàn cầu (17/09/2022)

>   Áp lực lạm phát sẽ tăng dần tới cuối năm (17/09/2022)

>   VinaCapital: FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam (16/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật