Thứ Ba, 13/09/2022 08:24

PGS.TS Trần Đình Thiên: Cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tổng thể nền kinh tế vĩ mô của chúng ta tốt, tăng trưởng tốt. Báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Cần tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về tổng thể, chúng ta giữ được mạch của nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng điểm này phải nhấn mạnh vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu, cũng như FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không giữ được.

Chúng ta cũng nên hiểu là khi nhấn mạnh khu vực ngoài, có nghĩa là khu vực công, chúng ta phải có một sự chú ý đặc biệt, nếu không sẽ thiên lệch. Chúng tôi thấy rằng, tổng thể tốt -  rõ ràng là bài học rất quan trọng trong việc chống lạm phát, xác định rõ nguyên nhân chính là chi phí đẩy thì tập trung sử dụng công cụ tài khóa.

Và còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nhìn nhận được. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

Còn lại 3 yếu tố: đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn như thế nào để không mất cân đối. Đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Căng thẳng về room tín dụng như truyền thông đưa gần dây, không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa.

Về tình thế tương lai, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đánh giá tính bất định, bất trắc cao hơn nhiều, đặc biệt là ở khía cạnh nền kinh tế Trung Quốc. Khả năng bất trắc cao là ở nền kinh tế này như: Thị trường bất động sản Trung Quốc đang không phục hồi được, hạn hán nhiều… Đây là thị trường rất quan trọng, cần có những dự báo chính xác.

Thứ hai, chúng ta phải nhìn thấy được cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều vấn đề như khủng hoảng về năng lượng, lương thực… Đây cũng có thể là cơ hội đáng để chúng ta phải nhận diện được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, khu vực này. Khi thế giới đang gặp khó khăn, chúng ta không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Điểm cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng ta không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu, có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu, mà nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay.

Tôi xin nhấn mạnh cơ hội chúng ta đang có những điểm tích cực, chúng ta không nên bi quan. Chúng ta nên nắm được cơ hội này. Có lẽ đây là thời điểm hiếm khi có tình thế như thế này, mong Chính phủ có những cuộc họp để có những chỉ đạo sát sườn hơn để nền kinh tế phát triển tốt hơn.

Không hi sinh cái này để chọn cái kia

Theo TS. Võ Trí Thành, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội và lựa chọn của chúng ta là chúng ta lựa chọn cả 3 chứ không phải hi sinh cái này để chọn cái kia.

TS. Võ Trí Thành: Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội, không hi sinh cái này để chọn cái kia. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng là động lực ta phải nhìn nhận lại cả 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cuối năm nay và năm 2023 động lực cho xuất khẩu sẽ phải suy gỉam đáng kể. Do đó việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Ví dụ như Hiệp định EVFTA thì thị trường chính của chúng ta vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA thì ta có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn

Về đầu tư, hi vọng trong năm nay và năm sau, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm, bây giờ mình đang giải ngân rất chậm thì đầu tư công sẽ là cú huých cho cả năm sau.

Riêng về tiêu dùng tôi không nghĩ mức tiêu dùng năm tới sẽ như năm nay vì người tiêu dùng thắt chặt kinh tế 1 phần và việc tiêu dùng kiểu "trả thù" cũng bớt dần, việc du lịch cũng giảm đi như vậy nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng từ du khách quốc tế. Do đó, các chính sách visa làm sao để thu hút được thêm du khách quốc tế là việc quan trọng.

Một động lực nữa thu hút đầu tư từ FDI, bên cạnh thu hút đầu tư tư nhân, thì bài học Euro Cham vừa nói rất đúng. Cho đến nay các nước châu Âu chưa phê chuẩn Hiệp định về bảo hộ đầu tư, nhưng rõ ràng việc thu hút FDI chất lượng chưa được như kỳ vọng.

Bên cạnh vấn đề hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nhân lực, thể chế ưu đãi thì có 3 điều quan trọng trong thu hút FDI chất lượng đó là: môi trường đầu vào phải xanh, môi trường số phải tốt, môi trường sống cho các chuyên gia phải tốt thì mới hi vọng thu hút được FDI có chất lượng.

Về kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng nên thận trọng với cung tiền. Tôi nghĩ rằng với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Vấn đề nợ xấu không trừ hẳn đi, vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỉ lệ tín dụng trên GDP chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỉ giá, ta không muốn làm cho tỉ giá mất giá nhiều. Chưa kể những áp lực về lãi suất, lãi suất không thể tăng quá mức… Như vậy, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.

Cuối cùng là linh hoạt trong mức tín dụng của chúng ta vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng quan trọng là con số tổng thể cả năm.

Cuối cùng, về cách điều hành, chúng ta đã có tổ điều hành kinh tế vĩ mô tôi cho rằng cần thêm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Tôi cho rằng nên gọi tổ này là Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và quản trị rủi ro và đảm bảo các cân đối lớn, để phạm vi hoạt động của Tổ điều hành này được tăng cường, mở rộng thêm. 

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng nêu 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng (13/09/2022)

>   PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt (12/09/2022)

>   TS. Trần Du Lịch: Cần chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 ở tất cả lĩnh vực (12/09/2022)

>   GS. Hoàng Văn Cường: Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới (12/09/2022)

>   Ông Trương Văn Phước: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát (12/09/2022)

>   Chuyên gia WB: Kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng, ấn tượng (12/09/2022)

>   Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF nâng dự báo tăng trưởng (12/09/2022)

>   Thủ tướng: Chúng ta không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn (12/09/2022)

>   Việt Nam đã có sự phát triển thật phi thường (12/09/2022)

>   Những yếu tố nào có thể tác động đến CPI những tháng cuối năm? (09/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật