Thứ Sáu, 23/09/2022 09:55

Mua chứng khoán số lẻ hàng thập phân qua ứng dụng fintech, cần lưu ý gì?

Một số ứng dụng fintech đang cung cấp dịch vụ mua cổ phiếu Việt Nam với số vốn tối thiểu chỉ 10,000 đồng. Nhà đầu tư, thông qua các ứng dụng này, có thể mua cổ phiếu với đơn vị hàng thập phân. Tuy nhiên, giao dịch này thực chất là gì và nhà đầu tư cần lưu ý những gì?

Từ 12/09, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã được giao dịch lô lẻ trở lại. Việc này đã phần nào tăng khả năng tiếp cận với chứng khoán của người dân khi người ta có thể mua tối thiểu 1 cổ phiếu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khi việc khớp lệnh lô lẻ được thực hiện trên bảng riêng và phải tốn khá nhiều thời gian để khớp lệnh.

Trong phiên giao dịch lô lẻ đầu tiên trên sàn HOSE (12/09), tổng lệnh đặt giao dịch lô lẻ là 190,671 lệnh, chiếm khoảng 22% tổng lệnh đặt toàn thị trường. Tỷ lệ khớp lệnh của giao dịch lô lẻ là 37.44% với khối lượng hơn 1.3 triệu chứng khoán. Những con số này phần nào cho thấy nhu cầu giao dịch cổ phiếu với số vốn nhỏ của cộng đồng đầu tư.

Nếu quan tâm nhiều tới chứng khoán, nhà đầu tư hẳn đã nghe qua giao dịch phân đoạn (Fractional Share): Mua cổ phiếu với đơn vị thập phân.

Năm 2019, nền tảng đầu tư Robinhood của Mỹ cho ra mắt hình thức giao dịch cổ phiếu phân đoạn, cho phép nhà đầu tư mua cổ phiếu lẻ không chỉ từ 1 - 99 cổ phiếu/giao dịch, mà còn đáp ứng nhu cầu mua - bán ở mức lẻ tới nhiều chữ số thập phân.

Mục đích ra đời của hình thức này nhằm tăng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư với chứng khoán. Ở thị trường chứng khoán có nhiều cổ phiếu có thị giá quá cao để nhà đầu tư có thể mua. Ví dụ cổ phiếu của Amazon.com, Inc. có thời điểm lên tới 3,428 USD, có nghĩa là một lô cổ phiếu này (theo quy định là 100 cổ phiếu) có giá 342,800 USD. Đây rõ ràng là số tiền lớn đối với các nhà đầu tư. Nhờ giải pháp cổ phiếu phân đoạn, nhà đầu tư có thể tiếp cận cơ hội mua cổ phiếu Amazon với số vốn chỉ 1 USD.

Mô hình này giờ đây cũng đã du nhập về thị trường Việt Nam. Một số ứng dụng fintech đã cung cấp nền tảng cho phép giao dịch phân mảnh chứng khoán Việt Nam với số vốn tối thiểu 10,000 đồng. Nhà đầu tư có thể mở tài khoản, nạp tiền và mua cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX tương tự như thông qua công ty chứng khoán. Điểm đáng chú ý là với đơn vị hàng thập phân.

Nhiều fintech đang cung cấp dịch vụ mua phân đoạn cổ phiếu Việt Nam. Ảnh: Internet

Tuy vậy, quy chế giao dịch cổ phiếu ở các sàn HOSE, HNX chỉ cho phép tối thiểu là 1 cổ phiếu. Vậy giao dịch qua các ứng dụng fintech này thực chất là gì?

Bản chất giao dịch phân đoạn được thực hiện thông qua một chủ thể trung gian. Các chủ thể này sẽ “thu gom” các cổ phiếu lẻ của nhiều nhà đầu tư khác nhau cho đến khi đạt được số lượng cổ phiếu đủ để thực hiện giao dịch theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bên trung gian mua cổ phiếu và chia sẻ nó giữa những người tham gia. Tuy nhiên, bản thân phần cổ phần được giữ bởi bên trung gian. Theo đó, nhà đầu tư chỉ gián tiếp sở hữu đối với cổ phiếu phân đoạn. Mua cổ phiếu phân đoạn qua ứng dụng thực chất là góp vốn hoặc ủy thác đầu tư. Việc này phát sinh một số vấn đề pháp lý liên quan tới việc mua cổ phiếu phân mảnh.

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán thông qua ứng dụng được hưởng toàn quyền định đoạt việc giữ lại hay bán ra cổ phiếu đó. Nếu người dùng muốn bán ra cổ phiếu để thu tiền về, người dùng có thể bán lại bất kỳ lúc nào theo giá thị trường, lệnh sẽ được khớp vào giờ giao dịch của thị trường chứng khoán. Tương tự như giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX.

Nhà đầu tư cũng nhận cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu, nhận cổ phiếu thưởng, đăng ký quyền mua theo đúng tỷ lệ công ty phát hành công bố nếu đang sở hữu cổ phiếu vào ngày chốt các quyền này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng được lưu ý rằng họ không có các quyền sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt là quyền biểu quyết bầu đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông, cũng như không có quyền chuyển nhượng cổ phiếu sang cho người khác hoặc công ty chứng khoán khác. Nhà đầu tư muốn rút tiền phải bán lại cổ phiếu cho đơn vị sở hữu ứng dụng và thu tiền về.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng không có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Nếu nhận quyền mua cổ phiếu phát hành thêm dựa vào số lượng cổ phiếu chốt vào ngày cuối cùng chốt danh sách hưởng quyền, họ chỉ có 2 lựa chọn, thực hiện quyền này bằng cách nộp tiền ký quỹ mua cổ phiếu, hoặc không thực hiện quyền này.

Bản chất cổ phiếu là chứng nhận sở hữu đối với doanh nghiệp, là chứng nhận góp vốn. Trong khi ứng dụng trên dù hoạt động trên mô hình đầu tư cổ phiếu nhưng sẽ không đem lại quyền sở hữu doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần phải cân nhắc về mục đích của mình khi mua cổ phiếu phân đoạn qua các ứng dụng trên, đầu tư gia tăng tài sản hay sở hữu trọn vẹn các quyền đối với doanh nghiệp.

Xu hướng của chứng khoán là dịch chuyển theo hướng dễ tiếp cận hơn và cổ phiếu phân đoạn sẽ giúp ích cho điều đó. Tuy vậy, thị trường Việt Nam vẫn chưa có cơ chế và pháp lý điều chỉnh cho hình thức giao dịch này. Do đó, nhà đầu tư phải hết sức cân nhắc khi thực hiện giao dịch để đảm bảo các quyền lợi trong khi vẫn được hiện thực hóa các cơ hội đầu tư sinh lời.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Ông Phan Quốc Huỳnh (SBS): “Chứng khoán đã dạy cho tôi rất nhiều điều” (20/09/2022)

>   Lạm phát khiến các nhà đầu tư không còn kênh nào để trú ẩn (19/09/2022)

>   Tiềm năng nào cho DXG, MWG và VHM? (19/09/2022)

>   Lãi suất tăng, đầu tư giá trị có lỗi thời? (16/09/2022)

>   Người trẻ nên dấn thân vào chứng khoán như thế nào? (11/09/2022)

>   Người Hàn Quốc hy vọng đổi đời nhờ cổ phiếu Tesla (25/08/2022)

>   Trào lưu ''đám đông'' chứng khoán đã nguội lạnh? (24/08/2022)

>   Bí quyết đầu tư của Warren Buffett khi thị trường biến động (22/08/2022)

>   Đa dạng hóa kênh đầu tư khi lãi suất tăng cao (19/08/2022)

>   Thiếu tiền? Cổ phiếu hóa cuộc đời mình rồi bán nó! (12/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật