Thứ Tư, 28/09/2022 10:34

Hai năm nhìn lại EVFTA: Những thách thức lớn cho ngành logistics

Để đưa được những hàng hoá vào EU với chi phí hợp lý, giá thành và thời gian bảo đảm, đặc biệt là những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn, có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp logistics.

Thu hút đầu tư vào ngành logistics, tạo động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã triển nhanh, với mức tăng trưởng từ 13-15%/năm.

Quá trình tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, trong đó Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại nhiều cơ hội về thu hút đầu tư, gia tăng nhu cầu vận chuyển… Song, thực tế sau hơn 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng cho thấy nhiều thách thức mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt.

Logistics chất lượng cao

Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 700 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Đồng thời, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực ASEAN và xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Để đưa được những hàng hoá vào EU với chi phí hợp lý, giá thành và thời gian bảo đảm, đặc biệt là những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn như hàng dệt may, hàng da giày, thủy sản... có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Theo các chuyên gia, cùng với thực tế tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam-EU, việc tham gia Hiệp định EVFTA cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho lĩnh vực logistics.

Trong đó, rõ rệt nhất là cơ hội gia tăng khách hàng sử dụng dịch vụ logistics; Gia tăng các trung tâm logistics chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU; Cơ hội cho các doanh nghiệp logistics trong nước lập đối tác với các công ty của EU từ đó học kinh nghiệm và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, việc tham gia EVFTA cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi dịch vụ của các công ty logistics EU và thậm chí có thể tham gia vào chuỗi giá trị của họ, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể liên kết với nhau, nhằm tạo ra khả năng cung cấp dịch vụ đầy đủ hơn…

Chia sẻ vấn đề này, theo ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng thời gian qua, các doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics có thêm việc làm và doanh thu trong giai đoạn COVID-19.

“Bản thân các doanh nghiệp như Bee Logistics cũng đi trước đón đầu, hợp tác với các hãng lớn để làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp logistics Việt Nam với các doanh nghiệp của châu Âu,” ông Mai Trần Thuật nói.

Cơ hội sẽ mất đi?

Nhìn chung, các cam kết của EVFTA trong lĩnh vực dịch vụ so với một số các hiệp định khác có nhiều điểm nổi bật hơn, có mức độ mở cửa thị trường cao hơn một số hiệp định khác, kể cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đơn vị trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định EVFTA cũng chỉ ra những thách thức lớn đối với ngành logistics khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Theo đó, thách thức từ cạnh tranh sẽ lớn hơn, bởi khi mở cửa thì các doanh nghiệp logistics EU sẽ vào, doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh. Hoặc ở những lĩnh vực theo lộ trình đã mở cửa 100% thì lúc này các doanh nghiệp EU không cần đến doanh nghiệp Việt Nam nữa mà thay vào đó họ sẽ tự làm, tức là cơ hội của doanh nghiệp logsitics trong nước tại một số dịch vụ sẽ bị mất đi.

Hơn nữa, không chỉ là trong lĩnh vực logistics mà trong nhiều lĩnh vực, đó là doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau, ví dụ như hiện tượng không chủ động tìm kiếm nguồn hàng mà cạnh tranh để giành nguồn hàng, dìm giá... để giành lấy các cơ hội từ EVFTA mang lại.

“Cơ hội có nhưng có tận dụng được hay không, bởi doanh nghiệp logistics của chúng ta vẫn thiếu vốn, công nghệ cũng có hạn và đặc biệt là về nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc theo nhu cầu mới hiện nay,” ông Khanh nói.

Cán cân thương mại của Việt Nam 8 tháng 2022

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho rằng, chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong cấu thành giá trị của sản phẩm xuất nhập khẩu. Có những thời điểm khó khăn, chi phí logistics đã tăng hàng chục lần, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc cân đối chi phí trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đó là chưa kể doanh nghiệp như Cao Su Đà Nẵng còn phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài về quy định kho ngoại quan, đóng tàu hàng.. khi đạt được tất cả các tiêu chuẩn này của EU thì tất cả các thị trường đều có thể đạt được.

Dù vậy, theo ông Mai Trần Thuật “trong nguy có cơ”, thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực cùng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp EU đã quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật cho rằng, doanh nghiệp logistisc cần phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực, từ nguồn lực tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực…

Hiện nay, ngành logistics đã và đang được quan tâm và đầu tư nhằm tận dụng các cơ hội từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam nên phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo đáp ứng được lượng tàu vào/ra. Đồng thời, nên đầu tư vào các hãng tàu để chủ động được nguồn tàu hàng và quan tâm phát triển các "sếu đầu đàn" trong logistics.

“Logistics là lĩnh vực và có tiềm năng ứng dụng công nghệ hết sức to lớn. Đấy cũng là một chìa khóa để giúp cho doanh nghiệp của chúng ta có thể nâng cao được hiệu quả và tăng sức cạnh tranh,” ông Hải nói.

Ông thông tin, sắp tới Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm vóc dài hạn hơn so với Kế hoạch hành động trước đây nhằm đạt được cơ sở nền móng hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics trong thời gian tới, đồng hành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vươn ra thị trường thế giới tốt hơn nữa…./.

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   FT: Việt Nam nằm trong 7 nền kinh tế nổi bật trên thế giới (28/09/2022)

>   Đề xuất cấp phép bay cho hãng cargo của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn (28/09/2022)

>   Doanh thu 'khủng' của đơn vị lắp ráp iPhone, Airpods cho Apple tại Việt Nam (27/09/2022)

>   Thế giới khan hiếm năng lượng, Việt Nam kiếm tỉ USD nhờ viên nén gỗ (27/09/2022)

>   Tạm dừng hoạt động 9 sân bay khu vực miền Trung (27/09/2022)

>   Thu hút FDI 9 tháng, TPHCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.96 tỷ USD (27/09/2022)

>   Gói hỗ trợ khó khăn, nhưng điều kiện nhận… phải khỏe mạnh! (27/09/2022)

>   Casino thua lỗ liên tục: Ðược gì khi cấp phép, mở rộng? (27/09/2022)

>   Gỡ từ đâu để giải ngân hết vướng (27/09/2022)

>   Bia lại tăng giá (27/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật