Thứ Ba, 27/09/2022 08:07

Gỡ từ đâu để giải ngân hết vướng

Tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngày 26/9, đa số đại diện lãnh đạo các Bộ thống nhất ý kiến cho rằng, hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do hạn chế trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục.

Lập kế hoạch chưa sát thực tiễn: "Lực cản" đối với giải ngân đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, ngoài nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện. Đầu tiên là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

"Ngay cả trong hơn 542 ngàn tỷ đồng Thủ tướng giao đầu năm, còn 11 bộ, ngành và 2 địa phương chưa giao hết kế hoạch", Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt, công bố giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, sâu sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn đến chậm triển khai dự án, trì trệ trong giải ngân.

Đồng thời, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.

"Đặc biệt, chất lượng chuẩn bị các dự án ODA rất thấp (tỷ lệ chung chỉ đạt dưới 20%) mà chúng ta vẫn phải trả phí cam kết, phí huỷ vay nếu chúng ta không thực hiện vay nữa. Năm 2022, một số bộ, ngành địa phương đề xuất điều chỉnh phần vốn ODA thì cần chú ý điểm này", Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý.

Cũng theo ông Tuấn, năng lực của ban quản lý dự án có nơi, có chỗ còn chưa chuyên nghiệp. Một số những nội dung hợp đồng của chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng và việc nghiệm thu thanh toán của chủ với nhà thầu còn chậm chễ.

Nói về giải pháp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng các địa phương, các bộ, ngành cần chủ động điều chỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình; Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND thành phố phải tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Việc quan trọng là các địa phương phải thông báo giá xây dựng kịp thời với tình hình thực tiễn để xử lý vấn đề về giá đối với các dự án và giải quyết thấu đáo mối quan hệ của chủ đầu tư - nhà thầu trong các hợp đồng. Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cũng cần chuẩn bị tốt kế hoạch giải ngân của năm 2023.

Cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhận định, vướng mắc chủ yếu tại địa phương là đền bù, giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục giải quyết vấn đề này chủ yếu phụ thuộc vào lãnh đạo địa phương. Nếu có sự chủ động chuẩn bị tốt từ trước thì vấn đề này có thể được giải quyết thống suốt. Thực tế hiện nay đã chứng minh một số địa phương giải ngân tốt là do họ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Tài chính về giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết cơ bản Chính phủ đã giải quyết, có cơ chế giao địa phương tháo gỡ vướng mắc. Trên thực tế, địa phương hoàn toàn chủ động trong vấn đề này, đối với các dự án sắp tới triển khai, các địa phương cần phải có kế hoạch để tiến hành các thủ tục liên quan đến cấp mỏ vì việc cấp mỏ thuộc thẩm quyền địa phương.

 "Bộ TNMT hiện nay mới chỉ giải ngân khoảng 38%. Thực tế có một nguyên nhân mà chúng tôi nhận thức được là khi có chủ trương, có phê duyệt về danh mục dự án thì mới làm được. Nên thông thường, khâu chuẩn bị dự án chưa đồng bộ và thống nhất, để có thể triển khai", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, thời gian tới cần phải có quy định cụ thể hơn về nội dung này, ví dụ như dự án nào được đưa vào danh mục, trong đó có cả vấn đề thu hồi, đền bù, tái định cư. Và đặc biệt là các dự án ODA hiện nay vướng mắc cả về vấn đề liên quan đến đối tác phát triển.

Trên thực tiễn, quá trình phát sinh nhiều thay đổi, điều kiện khác so với trước nên cần để phân cấp thế nào, trách nhiệm ra sao để các bộ, ngành, địa phương có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh trách nhiệm cuối cùng là của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp. Trên cơ sở đó, có thể đánh giá việc để chậm tiến độ đầu tư và giải ngân là khuyết điểm rất lớn của cụ thể cấp nào.

Đặc thù của kế hoạch năm 2022

Phân tích về nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng còn có nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 - 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng; nhà thầu có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương cũng lưu ý, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt. Đó là do các bộ, địa phương này đã chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải, cũng như lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm.

"Cần quan tâm, đào tạo, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ làm công tác đầu tư công, thay đổi nhận thức và thói quen của các cán bộ này, không phải chờ các nhà thầu báo cáo mà phải sâu sát, nắm rõ tiến độ, kịp thời tháo gỡ, xử lý khó khăn và cuối cùng là phải sát sao trong công  tác chỉ đạo điều hành từ người đứng đầu đơn vị", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm./.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bia lại tăng giá (27/09/2022)

>   Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (26/09/2022)

>   UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật ông Tô Anh Dũng và Nguyễn Quang Linh vụ chuyến bay 'giải cứu' (26/09/2022)

>   248 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (26/09/2022)

>   Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới (26/09/2022)

>   Chủ đầu tư của 2 dự án điện gió 4.4 ngàn tỷ đồng tại Đà Lạt là ai? (26/09/2022)

>   Đề xuất chi hơn 13.000 tỷ đồng 'xoá sổ' 8 trạm BOT, Bộ KH&ĐT nói gì? (26/09/2022)

>   Doanh nghiệp gỗ đang đối mặt khó khăn giảm đơn hàng (26/09/2022)

>   Bộ sậu lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn gây thất thoát hàng chục tỷ đồng (26/09/2022)

>   Xăng dầu giảm giá liên tục: Hàng hóa, dịch vụ… giảm nhỏ giọt (26/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật