Thứ Ba, 13/09/2022 11:24

1,5 triệu doanh nghiệp để làm gì?

Phản hồi đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Ảnh minh họa

Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phải có Nghị quyết riêng về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển DN và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, VCCI góp ý dự thảo đặt ra chỉ tiêu “đạt 1,5 triệu DN” là số DN “đăng ký thành lập” hay “đang hoạt động”. Nếu xác định là số DN đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.

Thoạt nghe, đề nghị của VCCI khá hợp lý. Thế nhưng suy xét kỹ lại có vẻ chưa ổn. Bởi thực sự số DN đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế hay không, chưa thể trả lời ngay. Vì nếu DN hoạt động nhưng ở dạng siêu nhỏ, èo uột, hoạt động được thời gian ngắn rồi tạm ngưng hoặc rút khỏi thị trường, tức nền kinh tế chưa thực sự khỏe.

Chúng ta cần những DN khỏe, phát triển tốt chứ không chỉ dừng lại ở 2 chữ “hoạt động”, và đặc biệt con số 1,5 triệu DN có thực sự quan trọng hay không. Số lượng nhiều nhưng chất lượng được bao nhiêu. Chưa kể, khả năng hoàn thành mục tiêu này liệu có cao.

Vào năm 2016, tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển mục tiêu đến năm 2020, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 đã được đặt ra. Thế nhưng hết năm 2020, Việt Nam mới có khoảng 810.000 DN đang hoạt động. Vậy mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu DN liệu có hoàn thành?

Có 2 luồng ý kiến được nêu ra xung quanh mục tiêu này. Một phía cho rằng rất khó hoàn thành, phía kia nói có thể thực hiện nếu chúng ta tạo được môi trường kinh doanh tốt, loại bỏ bớt rào cản thủ tục hành chính trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với DN, giảm chi phí tuân thủ của DN trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cho đến nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính. Các bộ ngành cũng khẳng định cắt giảm được nhiều điều kiện kinh doanh. Nhưng thực tế DN vẫn than vãn rất nhiều.

Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TPHCM và các DN trong, ngoài nước diễn ra hồi cuối tháng 8 vừa qua, các DN vẫn tiếp tục kêu ca về thủ tục hành chính. Cụ thể, thủ tục kéo dài, qua nhiều quy trình với nhiều cơ quan, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí, làm suy giảm niềm tin của DN.

Thủ tục hành chính rườm rà có lẽ là một trong những lý do khiến nhiều hộ kinh doanh “không muốn lớn” thành DN, trong khi đây lại là một trong những lực lượng kế cận quan trọng để hoàn thành mục tiêu 1,5 triệu DN. Thực trạng này càng cho thấy cần thiết có những cuộc cải cách mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính.

Về chất lượng DN, như đã phân tích số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Ngay từ thời điểm đặt mục tiêu 1 triệu DN, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nên có mục tiêu có được những DN thực sự lớn, không chỉ ở số DN nhiều.

Lần này VCCI cũng đề nghị cân nhắc một số mục tiêu cụ thể đưa vào Nghị quyết, trong đó có nội dung Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Đây có lẽ là mục tiêu cần được cân nhắc nhiều hơn, vì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn có sức ảnh hưởng trong khu vực và thế giới.

Chúng ta cũng chưa có những thương hiệu để khi nhắc đến sẽ nhớ ngay đến Việt Nam. Nếu cứ mải chạy theo số lượng, đến khi nào chúng ta mới có được những điều đó. Xin đừng để phải đặt câu hỏi 1,5 triệu DN để làm gì?

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Hãng xe hơi Trung Quốc muốn xây nhà máy ở Việt Nam (13/09/2022)

>   Vì sao chưa thể chi mạnh cho đầu tư phát triển? (13/09/2022)

>   TS. Nguyễn Đình Cung: Đề xuất thành lập tổ công tác độc lập gỡ vướng cho đầu tư công và đầu tư tư nhân (12/09/2022)

>   'Cứu' Cát Lái để thúc kinh tế toàn khu vực (12/09/2022)

>   Đề xuất giảm đến 50% một số khoản phí lĩnh vực giao thông vận tải (12/09/2022)

>   Đầu tư công chậm giải ngân, đề nghị quy trách nhiệm người đứng đầu (11/09/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu PVN không để thiếu năng lượng, xăng dầu (11/09/2022)

>   Thừa Thiên-Huế điều chỉnh việc cấp phép và quy hoạch khoáng sản (11/09/2022)

>   Cách Nhật Bản đổi mới hệ thống giao thông (11/09/2022)

>   Thị trường trung thu 2022: Sôi động tới phút chót (10/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật