TS. Cấn Văn Lực: Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân
Tại buổi tọa đàm "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" tổ chức ngày 24/08/2022, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế đã có một số nhận định làm rõ những vấn đề liên quan đến nguồn vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Ông Lực nhận định quỹ bảo lãnh tín dụng SME tại các địa phương hiện hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo lãnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một phần của vấn đề nằm ở việc các doanh nghiệp SME thiếu đi điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi sau đại dịch, do đó khó tiếp cận nguồn vốn.
TS. Cấn Văn Lực
|
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực đề ra 2 giải pháp. Thứ nhất là mảng cho thuê tài chính - mảng không cần tài sản thế chấp - cần được quan tâm hơn. Hiện tại, thị trường có 11 công ty cho thuê tài chính, nhưng đều khuyến khích không cho thuê tài chính đối với doanh nghiệp SME. Thứ 2 là cần cả hai bên - tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tư nhân - phải nỗ lực và có thiện chí, trung thực, xây dựng phương án kinh doanh bài bản. Nếu không, sẽ rất khó tiếp cận tín dụng.
Về gói hỗ trợ lãi suất, vị chuyên gia cho biết cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% có một vướng mắc liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo chuyên gia, nếu chờ đến quý 4 hoặc cuối năm khi lạm phát đã “êm” mới nới room tín dụng sẽ là quá trễ so với nhu cầu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Nếu không nới room ngay sẽ rất khó giải ngân đối với gói hỗ trợ nêu trên, bởi nếu ngân hàng hết hạn mức tín dụng thì không thể giải ngân được. Ông Lực cho rằng đây là những điều kiện cần và đủ để triển khai gói hỗ trợ lãi suất tốt hơn trong thời gian tới.
Hồng Đức
FILI
|