Chuyên gia: Hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng như 'đãi cát tìm vàng'
Đã 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành, nhưng kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế.
Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ khách hàng là hơn 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng, một con số quá thấp so với mức 40.000 tỷ đồng của tổng gói hỗ trợ.
Xoay quanh vấn đề triển khai gói hỗ trợ, làm sao để kịp thời, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhưng vẫn đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh trục lợi chính sách, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
|
Thưa ông, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã triển khai được hơn 3 tháng. Ông đánh giá ra sao về việc triển khai và tiến độ thực hiện của gói hỗ trợ này?
Đây là lần thứ hai chúng ta thực hiện một gói hỗ trợ doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ lần triển khai trước vào năm 2009, gói hỗ trợ lần này được triển khai trên nền tảng kiểm soát chặt tín dụng và không tạo ra một khoảng chênh lệch lớn giữa lãi suất chính thức với lãi suất được hỗ trợ trực tiếp. Từ đó tránh được việc doanh nghiệp đi vay ở nơi lãi suất thấp rồi đem cho vay lại ở nơi lãi suất cao hơn mà không đưa vào sản xuất kinh doanh, trục lợi chính sách.
Quan trọng hơn, gói hỗ trợ lần này được thực hiện như một gói đầu tư công của Nhà nước nên việc hạch toán tương tự như đầu tư công. Cách làm này giúp đạt được những bước tiến đáng tin cậy hơn trước đây, tránh việc tín dụng bị nới lỏng hoàn toàn, gây áp lực lớn lên lạm phát.
Tuy nhiên, đến nay gói hỗ trợ tiến hành còn chậm. Thực tế, ý tưởng triển khai đã có từ cuối năm 2021, nếu tiến hành nhanh ngay từ đầu năm 2022 thì hiệu ứng có thể tốt hơn bởi thời điểm đó, hạn mức (room) tín dụng tương đối nhiều. Hiện giờ chỉ còn hơn một quý nữa là hết năm mà room tín dụng còn lại rất ít nên các ngân hàng gần như loay hoay không biết thực thi ra sao dù đăng ký khối lượng cho vay theo chương trình này rất lớn, vượt cả mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy không phải lần đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng đáng chú ý trong lần này là chúng ta có gói hỗ trợ quy mô lớn trị giá 40.000 tỷ đồng đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Vậy đâu là khó khăn lớn nhất của các tổ chức tín dụng trong triển khai chính sách này, thưa ông?
Room tín dụng còn ít, không đủ để cho vay khi nhu cầu vốn tăng cao, nhất là dịp cuối năm sắp tới. Đây là vấn đề được hầu hết các ngân hàng đề cập khi nói về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên nếu xem xét kỹ, room hiện còn khoảng 400-500 nghìn tỷ đồng. Con số này không phải là nhỏ khi cả gói hỗ trợ ước khoảng 800 nghìn tỷ đồng và được thực hiện trong 2 năm.
Do đó, theo tôi khó khăn chính đang nằm ở các điều kiện tín dụng, khiến các ngân hàng rất khó lựa chọn khách vay. Bởi thực tế sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhìn chung đều rơi vào tình trạng có nợ xấu, hoặc hết tài sản đảm bảo, hoặc khả năng trả nợ bấp bênh. Trong khi đó, đây lại là 3 điều kiện tiên quyết để vay được vốn ngân hàng.
Vì vậy, để chọn được một khách hàng để cho vay theo đúng tiêu chí của gói hỗ trợ này, tránh hiện tượng trục lợi chính sách không phải là điều đơn giản đối với các ngân hàng thương mại, thậm chí có thể nói là như “đãi cát tìm vàng”.
Trong điều kiện này, các ngân hàng thương mại thường phải cân nhắc, xem xét lại một số khoản nợ xấu có thể gia hạn hoặc xem xét lại tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại thường tính đến khả năng xét duyệt tín dụng một cách linh hoạt hơn đối với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có đầu ra vững chắc.
Đây có lẽ là những khó khăn lớn nhất mà các ngân hàng đang gặp phải và cũng đang tìm cách tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Trước thực tế như vậy, ông có đề xuất gì nhằm tháo gỡ những khó khăn này để đưa chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn?
Gói hỗ trợ dự kiến sẽ tiến hành trong vòng 2 năm mà hiện nay đã gần hết năm đầu tiên và đang được tiến hành khá chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ, theo tôi cần tạo cho các ngân hàng thương mại một khoảng không gian nhất định để xử lý linh hoạt các trường hợp vay vốn có thể vướng vào một trong 3 điều kiện trên. Các ngân hàng thương mại có thể dựa vào quyền tự chủ để quyết định các khoản vay gần như đảm bảo được các tiêu chí tín dụng thông thường và của gói hỗ trợ này. Đây là điều vô cùng quan trọng và nhiều doanh nghiệp đang mong chờ như vậy.
Hiện các ngân hàng đang “ngóng” room tín dụng. Room được xác định dựa trên mục tiêu chủ chốt là lạm phát, nhưng thực tế lạm phát trong nước hiện nay là “lạm phát nhập khẩu”. Do đó, để giảm lạm phát, phương sách hữu hiệu nhất là giảm thuế; trong đó, mặt hàng có hiệu ứng mạnh nhất là xăng dầu. Chúng ta cứ giảm giá xăng dầu 10% thì lạm phát sẽ giảm xuống 0,31%, nếu tiếp tục giảm thêm 10% thì lạm phát sẽ giảm thêm 0,27% nữa. Như vậy, giảm 20% giá xăng dầu giúp giảm lạm phát tới 0,58%, đưa mục tiêu lạm phát từ 4% về khoảng 3,5%. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước mới có thể yên tâm hơn khi nới room tín dụng.
Theo ông, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần làm gì để tiếp cận với chính sách hỗ trợ lãi suất này?
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện đang rất lúng túng. Bởi nền kinh tế mới phục hồi nhưng căn bản sự phục hồi chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp lớn và vừa do có nền tảng tài chính tốt và thị trường tương đối vững chắc, đặc biệt thấy rõ ở nhóm doanh nghiệp du lịch, vận tải trong nước… Còn các hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sự phục hồi còn chưa thấy rõ, nhiều cửa hàng mở ra nhưng khách vẫn còn rất vắng vẻ.
Thêm vào đó, người dân vẫn còn nơm nớp lo ngại dịch COVID-19 có thể sẽ quay trở lại khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới. Người dân lo ngại nếu bỏ tiền ra đầu tư, mở lại quán ăn, xưởng sản xuất xong, dịch COVID-19 quay lại và tiếp tục giãn cách xã hội thì họ sẽ “điêu đứng”.
Ngoài ra, những xáo trộn do dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nghiêm trọng, chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí thuê nhân công tăng lên đáng kể, ngay cả với những lao động phổ thông tiền công của họ cũng tăng cao so với 2 năm trước. Do đó, ngay cả khi vay được vốn, các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cũng lo về khả năng trả nợ ngân hàng.
Mặt khác, quan hệ giữa các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với ngân hàng lâu nay rất kém, quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau cũng thiếu gắn kết. Vì thế, nếu liên kết lại với nhau sẽ có thể tạo ra mức cung ứng đầu vào rẻ hơn, chi phí vận tải thấp hơn, chi phí tiếp thị rẻ hơn…
Vì vậy, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái để hỗ trợ cho nhau về vốn, tiêu thụ hàng hóa… nhằm mục đích quan trọng nhất là vay được vốn ngân hàng và có khả năng trả được nợ ngân hàng.
Ngoài thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất, theo ông, còn cần thêm những giải pháp căn cơ nào khác để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bắt kịp nhịp phục hồi và phát triển kinh tế?
Biện pháp quan trọng nhất hiện nay với các doanh nghiệp là giảm thuế. Bộ Tài chính đã triển khai giải pháp này và tạo được những hiệu ứng mạnh, giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thêm nữa, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp nên kết nối lại với nhau, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp trên nền tảng mạng internet vừa mua bán hàng hóa của nhau, hàng đổi hàng, tiếp thị chéo cho nhau…
Trong hệ sinh thái đó, người ta cũng dễ dàng đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ biết cách sử dụng công nghệ mới, dùng chính chiếc điện thoại di động với các phần mềm để quản lý, giải quyết tất cả các công việc kinh doanh của doanh nghiệp…
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Phương
TTXVN
|