PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Kiểm soát room tín dụng là điều 'cực chẳng đã'
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Ngân hàng Nhà nước nên theo dõi sát sao xem ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng tốt, an toàn, hiệu quả thì nên nới ngay hạn mức tín dụng (room tín dụng). Ngược lại, cũng có thể thu room của ngân hàng không hiệu quả, hay cho vay nhiều lĩnh vực rủi ro lớn, làm được vậy sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn và bơm vốn tốt hơn ra thị trường.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
|
Thị trường vốn thiếu ổn định là nỗi lo không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của toàn nền kinh tế. Các hoạt động kinh tế đang dần trở lại sau khoảng thời gian chìm lắng vì Covid-19, nhu cầu vốn là rất lớn và cấp bách. Việc các ngân hàng “cạn” hạn mức (room) tín dụng nhưng không được nới thêm vì mục tiêu kiềm chế lạm phát càng khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.
- Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, thời gian qua, việc kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế là vấn đề rất quan trọng của nền kinh tế, nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như trong thời gian tới.
Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ chặt chẽ này. Hoạt động cho vay là nhiệm vụ lớn, giúp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế tư nhân thời hậu đại dịch, giúp phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân. Nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát còn cao hơn cả. Để đảm bảo cả hai nhiệm vụ đều được hoàn thành trọn vẹn, các cơ quan quản lý có trách nhiệm tính toán, đưa ra một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp, hài hòa đôi bên.
Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đã đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, cao hơn hẳn mức 6,47% trong nửa đầu năm ngoái. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi, cần sử dụng nguồn vốn lớn.
Tuy nhiên, các ngân hàng đừng nên bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường, cần phải tỉnh táo, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay, để tránh xảy ra các tình huống nợ xấu. Để làm được điều này, cần xác định rõ doanh nghiệp vay vốn phải là doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có lãi, hoặc có các dự án chứng minh được hiệu quả kinh tế và đặc biệt là không có khoản nợ xấu nào.
Đối với trường hợp doanh nghiệp vay có tài sản đảm bảo, cần kiểm chứng kỹ lưỡng xem tài sản bảo đảm đó có phù hợp với quy định, có đúng là cơ sở tốt để sau này ngân hàng có thể thu hồi vốn vay, lãi vay trong trường hợp nợ xấu hay không. Đây là vấn đề đang được quan tâm, nếu tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì các nhà quản lý cũng như ngân hàng phải chịu rủi ro rất lớn, thậm chí có thể bị khép vào tội hình sự. Vì vậy, các ngân hàng, cán bộ cho vay cần cẩn trọng, xem xét tài sản bảo đảm, thế chấp này.
Tất nhiên khi cho vay thì ngân hàng, doanh nghiệp cũng đều mong muốn và kỳ vọng doanh nghiệp đó sẽ ăn nên làm ra, có khả năng trả nợ vay và lãi vay, từ đó giúp cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cũng như giúp cho hoạt động của cơ quan quản lý và doanh nghiệp công khai, minh bạch hơn.
- Trong bối cảnh thị trường cần vốn là thế, kênh huy động vốn khác là chứng khoán lại đang diễn biến kém tích cực. Gánh nặng có vẻ ngày càng đè lên vai ngân hàng, thưa ông?
Từ trước đến nay, riêng với các doanh nghiệp ở Việt Nam thì nguồn cung ứng vốn chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng, chiếm đến 70% tổng vốn phục vụ cho hoạt động kinh tế. Đây là điểm khác biệt so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển khi con số này chỉ xấp xỉ 30%. Nói như vậy để phần nào thấy được sự khó khăn mà ngân hàng ở Việt Nam gặp phải trong quá trình đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Gánh nặng ngày một đè lên vai ngành ngân hàng khi thời gian gần đây dưới tác động của một số sự kiện bất thường và hoạt động điều chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã đột ngột nguội lạnh khiến thị trường vốn trở nên hạn hẹp, các chủ thể trong nền kinh tế khó tiếp cận vốn hơn. Mặt khác, thị trường cổ phiếu cũng kém khả quan hơn nhiều so với năm cũ, chỉ số VN-Index liên tiếp rơi điểm kể từ đầu tháng 4, thanh khoản cũng hụt đi rõ rệt.
Trước những diễn biến thiếu ổn định, các ngân hàng thương mại thời gian qua đã liên tục có động thái xin nới hạn mức room tín dụng, trong đó không chỉ các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân mà cả ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nếu ngân hàng chạm trần tín dụng thì việc cho vay gần như bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền cho nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, chắc hẳn quá trình xem xét bổ sung room tín dụng sẽ không thể một sớm, một chiều. Như đã nói, việc tính toán tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, chứ không phải vì mục tiêu cho vay nhiều.
- Theo ông, giải pháp nào để giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng mà vẫn cung ứng vốn đầy đủ cho nền kinh tế?
Thực ra, việc kiểm soát các ngân hàng cho vay bằng hình thức đưa ra room tín dụng để từ đó buộc các ngân hàng phải cho vay theo hạn mức tín dụng nào đó là điều “cực chẳng đã”, khi nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đó những khó khăn. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận mức độ cần thiết của việc quy định room tín dụng trong tình hình hiện nay. Chỉ có điều Ngân hàng Nhà nước nên theo dõi sát sao thường xuyên, xem ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng tốt, an toàn, hiệu quả thì nên nới ngay room để phía ngân hàng đẩy mạnh hoạt động, đạt được kết quả mong muốn.
Ngược lại cũng có thể thu room của ngân hàng không hiệu quả, hay cho vay nhiều lĩnh vực rủi ro lớn, làm được vậy sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn và bơm vốn tốt hơn ra thị trường.
Về lâu về dài, nước ta cần xác định mục tiêu phát triển thị trường tài chính, tiền tệ và đặc biệt là thị trường chứng khoán như một kênh dẫn vốn trung và dài hạn, giống như các quốc gia phát triển đang làm để nâng cao chất lượng thị trường vốn, đem lại khả năng đáp ứng nguồn vốn tốt hơn cho nền kinh tế quốc dân. Nhưng hiện thực hóa là không dễ dàng, cần làm rất nhiều việc.
Việc đầu tiên là cần điều chỉnh, cân đối làm sao để có được một chính sách ổn định, thích hợp với tình hình thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán. Nếu thể chế chính sách không đi vào “nền nếp” thì sẽ khó có thể phát triển bền vững được các thị trường này. Tiếp nữa, cũng cần đề cao hoạt động kiểm tra, giám sát các chủ thể trong nền kinh tế một cách thỏa đáng, từ đó đem lại sự hiệu quả, lợi ích cho các thị trường, cũng như “bịt” lại các lỗ hổng đã “phát lộ” trong thời gian đã qua.
Nhìn chung thị trường tài chính, trái phiếu hay cổ phiếu mà vững chắc, phát triển an toàn thì sẽ đỡ đần được gánh nặng cho ngành ngân hàng trong nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế.
- Trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng đối với các doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, an toàn hơn, thưa ông?
Tôi cho rằng để cải thiện, nâng tầm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, định mức tín nhiệm là một trong các giải pháp hỗ trợ minh bạch hóa thông tin về trái phiếu, giúp nhà đầu tư lựa chọn đúng sản phẩm đầu tư theo “khẩu vị” rủi ro của mình, đồng thời cũng giảm tải các rủi ro tài chính khác. Tuy nhiên, mặc dù là yếu tố cần thiết nhưng chỉ nên coi đó là yêu cầu khuyến khích chứ không nên đặt vào vị trí của một quy định bắt buộc, vì từ đó câu chuyện sẽ bẻ hướng sang một lối khác.
Mà quan trọng nhất là cần có quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp nghiêm ngặt. Tôi cho rằng các quy định hiện nay là chưa đầy đủ, chẳng hạn “khuyết” việc doanh nghiệp chào bán trái phiếu nhưng với số lượng giới hạn, cụ thể là bao nhiêu so với nguồn vốn của mình, tức là định mức vay nợ. Một số nước đang đưa ra định mức vay nợ với doanh nghiệp là 1:1, 1:2, với các ngân hàng thì tỷ lệ này có thể cao hơn, ví dụ như 1:5 như ở Trung Quốc, được hiểu là 1 đồng vốn được chịu cho 5 đồng nợ vay.
Trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, các nước cũng tách biệt rõ ràng là bao nhiêu phần trăm được vay từ các tổ chức tín dụng, từ các hình thức khác trong nền kinh tế và cuối cùng là từ kênh phát hành trái phiếu. Ở Việt Nam do chưa có quy định về vấn đề này, nên để xảy ra không ít trường hợp doanh nghiệp có thể vay trái phiếu gấp... hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Với nợ vay cao như vậy thì rất khó để doanh nghiệp có thể đảm bảo hoàn toàn việc trả nợ, trả lãi.
Vấn đề tài sản bảo đảm cũng cần quan tâm chặt chẽ. Các tài sản phải có giá trị, thanh khoản tốt. Thời gian qua, có không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu “3 không”, chủ yếu rơi vào doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết, không chứng minh tình hình tài chính, không cần tài sản bảo đảm. Khi rủi ro xảy ra, sau này những trái chủ không dám mua trái phiếu nữa thì thị trường không có đất phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư đòi trả lại trái phiếu của các doanh nghiệp khác, gây xáo trộn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán cũng như thị trường tiền tệ và có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế trong tương lai.
Việt Anh
Vietnamfinance
|