Giá cả, thị trường và chuyện quản lý
Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 11-8-2022. Điều này cho thấy Chính phủ quan tâm đến phục hồi nhanh và phát triển bền vững nền kinh tế. Muốn như vậy cần biết chúng ta phải thích ứng với cái gì, đang “bệnh” ở đâu để phục hồi và phát triển?
Nền kinh tế Việt Nam thực ra tồn tại rất nhiều vấn đề từ cấu trúc ngành đến thể chế. Ví dụ, một trong những nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam là ngay sau khi giá xăng giảm 3.000 đồng thì cước vận tải tăng, lý do có thể là khi giá xăng tăng doanh nghiệp đề đạt với cấp quản lý tăng giá cước nhưng họ “ngâm” lâu và trớ trêu là khi giá xăng giảm các cơ quan hành chính này mới “giải quyết” xong.
Giá cả là do thị trường quyết định nhưng ở đây lại mang tính chất hành chính. Giá xăng giảm mà giá cước vận tải tăng sẽ không có tác dụng hoặc tác dụng tiêu cực đến nền kinh tế, vì sản phẩm từ nơi sản xuất (hoặc nhập khẩu) đến với người tiêu dùng phải qua khâu lưu thông. Đáng lưu ý là Việt Nam khi tăng giá một sản phẩm nào đó thì ít khi tăng 1-2-3% mà thường tăng tới hàng chục phần trăm.
Muốn nền kinh tế hồi phục một cách đồng đều, vấn đề đặt ra là cần hạn chế tối đa, dần đi đến loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của các cơ quan công quyền vào sự vận hành của nền kinh tế. Sự can thiệp về mặt hành chính trong điều hành kinh tế vĩ mô sẽ dẫn đến sự méo mó, lệch lạc trong cấu trúc kinh tế. Sẽ không có một mô hình nào trong phân tích và dự báo đúng trong một nền kinh tế giá cả là quyết định của ai đó không liên quan đến thị trường.
Theo đó, vấn đề lớn hơn nữa ở đây vẫn là vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích của các bộ ngành… Do đó, cần dẹp bỏ vấn nạn tham nhũng, lợi ích cục bộ thì sẽ tốt cho tất cả mọi ngành chứ không riêng gì cho bất động sản, thương mại hay công nghiệp…
Như chuyện phạt hiện nay đối với việc chậm nộp tờ khai thuế. Mức phạt rất cao, và rất dễ bị phạt. Quy định đưa ra là phải nộp tờ khai thuế chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng đối với doanh nghiệp báo cáo theo tháng và ngày cuối cùng của tháng đối với doanh nghiệp báo cáo theo quí, nhưng kỳ lạ là thường đến ngày cuối cùng của tháng thì doanh nghiệp không thể nộp do cơ quan thuế đang trong quá trình nâng cấp phần mềm. Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể là trùng hợp nhưng tại sao không nâng cấp vào đầu tháng hoặc giữa tháng mà cứ nhằm những ngày cuối cùng của tháng để nâng cấp?
Hay chuyện giá xăng dầu hạ thời gian qua cơ bản do giá thế giới hạ nhiệt; còn những đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp về giảm thuế phí trong xăng dầu dường như bị trì hoãn thực hiện; thuế bảo vệ môi trường có giảm thì lại phải nộp vào quỹ bình ổn giá xăng dầu số tiền gần bằng thế. Một cái quỹ gây bất ổn về giá cả như quỹ bình ổn giá xăng dầu mà không thể bãi bỏ được là một điều khó hiểu!
Theo bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, xăng dầu chiếm khoảng 42% trong giá trị sản xuất và chiếm đến trên 70% trong chi phí trung gian, nhưng khi xăng dầu tăng đến trên 40% nhưng giá trị tăng thêm của ngành vận tải quí 2-2022 vẫn tăng trưởng (đã loại trừ yếu tố giá) trên 9% và sáu tháng đầu năm 2022 tăng trưởng trên 8% là một điều tương đối khó hiểu? Có chuyên gia nói rằng nếu bảo “số liệu sai thì chứng minh đi”; xin nhấn mạnh là không phải chuyện sai đúng mà chỉ là khó hiểu!
Vấn đề nữa là về lượng tiền để đầu tư mà ở Việt Nam quen gọi là “vốn đầu tư”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê lượng tiền bỏ ra để đầu tư đến được với sản xuất để tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động ngày càng thấp, đến năm 2020 tỷ lệ này chỉ khoảng 78%, còn khoảng trên 20% không biết nó đi đâu? Phải làm sao cho lượng tiền bỏ ra nhằm mục đích đầu tư đến được với sản xuất và lượng tiền để “bôi trơn” cần được dẹp bỏ.
Còn về xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam thì phải làm sao tăng thêm chất lượng. Nông lâm, thủy sản theo số liệu thống kê chiếm chưa đến 10% trong tổng xuất khẩu. Xuất khẩu cơ bản là máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại và các linh kiện khác. Hàm lượng giá trị gia tăng mà người Việt Nam được hưởng chỉ khoảng 14%. Cho nên để xuất khẩu của Việt Nam có thể là niềm vui thực sự thì Việt Nam phải có công nghiệp phụ trợ và phải có sản phẩm phụ trợ.
Bùi Trinh
TBKTSG
|