Thứ Hai, 15/08/2022 10:53

Tăng trưởng trông vào... mở rộng tài khóa

Trong những nền kinh tế theo đuổi chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn. Và những diễn biến gần đây cũng cho thấy chính sách tài khóa đang được quan tâm nhiều hơn, như là động lực hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Bớt trông chờ vào chính sách tiền tệ

Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới liên tiếp tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, bất chấp đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng hiển hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho đến nay vẫn chưa vội tăng lãi suất điều hành, dù không ít dự báo cho rằng cơ quan này sẽ sớm hành động trong thời gian tới.

Hai năm về trước, NHNN đã ba lần giảm lãi suất điều hành như là giải pháp để ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, và các mức lãi suất thấp kỷ lục đó vẫn đang duy trì cho đến thời điểm hiện nay, gồm trần lãi suất tiền gửi 4%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng, lãi suất tái cấp vốn 4%/năm, lãi suất tái chiết khấu 2,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng 5%/năm.

Dù vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy NHNN đang tiến dần đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ trở lại sau hai năm nới lỏng. Đầu tiên, về tăng trưởng tín dụng, NHNN đang điều hành một cách thận trọng và kiên định với mục tiêu 14% cho năm nay, dù sáu tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng đã lên tới 9,35%, đồng thời cơ quan này cũng chưa vội nới room tín dụng cho các ngân hàng dù không ít trong số này đã sử dụng hết room từ quí 2.

Có thể thấy trong hai năm dịch bệnh vừa qua, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi năm, hệ thống ngân hàng gặp không ít thách thức do nhu cầu vay vốn suy giảm nghiêm trọng, khi rủi ro nền kinh tế quá cao và chịu ảnh hưởng từ các đợt giãn cách xã hội. Nhưng năm nay, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, kéo theo nhu cầu vay bật tăng mạnh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng lại đang là mục tiêu chính yếu và quan trọng.

Về lãi suất, dù chưa có một động thái chính thức điều chỉnh từ NHNN ở công cụ lãi suất điều hành, nhưng diễn biến lãi suất ở các khu vực khác cho thấy “tiền rẻ” giờ không còn rẻ nữa. Lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng trên thị trường 2 – liên ngân hàng – sau thời gian dài ổn định và có những giai đoạn rớt về mức thấp kỷ lục dưới 1%/năm, gần đây đã tăng vọt lên 4-5%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi trên thị trường 2 – với dân cư và tổ chức – liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay, còn lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng cùng chung xu hướng.

Nguồn cung tiền đồng cũng bị thắt chặt khi nhà điều hành liên tục hút tiền đồng với số lượng lớn thông qua kênh bán ròng ngoại tệ nhằm ổn định thị trường ngoại hối và hạ nhiệt tỷ giá. Đáng lưu ý là những năm trước đây, khi NHNN mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối đồng thời kết hợp chính sách hút bớt tiền đồng qua kênh tín phiếu và thị trường mở để tránh gây áp lực lên lạm phát, thì những tháng gần đây cơ quan này không chỉ hút tiền đồng qua kênh bán ngoại tệ mà còn tiếp tục hút ròng trên cả kênh tín phiếu.

Như vậy, chưa cần phải hiện thực hóa việc tăng lãi suất điều hành như một số dự báo và kỳ vọng, chính sách tiền tệ hiện nay cũng như thời gian tới cho thấy khó có thể tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng, mà đang tiến dần đến mục tiêu bình thường hóa và không loại trừ khả năng giai đoạn tiếp theo đó sẽ là thắt chặt. Vì vậy, có thể nói rằng tăng trưởng kinh tế thời gian tới sẽ khó có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ như trong hai năm vừa qua.

Tăng cường chính sách tài khóa

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay đạt 6,42%, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới; riêng quí 2 đạt 7,72%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Nhiều tổ chức gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quí 3 có thể đạt hai con số, ở mức 11-13%, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ vì quí 3-2021 tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội kéo dài giai đoạn đó. Cho cả năm 2022, Chính phủ đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra đầu năm nay là từ 6-6,5%.

Để đạt mục tiêu này trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ gần như không còn, việc tăng cường mức độ mở rộng chính sách tài khóa là lời giải quan trọng trong tình hình hiện nay. Thực tế cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng cũng chỉ có những tác động nhất định đến tăng trưởng kinh tế, khi một nguồn lực đáng kể thường  bị san sẻ và chảy vào các thị trường tài chính, các kênh đầu tư, góp phần tạo nên bong bóng tài sản và những rủi ro tiềm ẩn tích lũy. Ngược lại, chính sách tài khóa mở rộng thường có những ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi hơn và có những đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng, đặc biệt nếu hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) ngày càng được cải thiện.

Nếu như chính sách tiền tệ do NHNN điều hành, thì chính sách tài khóa lại nằm trong tay của Chính phủ thông qua hai công cụ quan trọng là chính sách thuế và chi tiêu của khu vực công. Trong những nền kinh tế theo đuổi chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn. Và những diễn biến gần đây cũng cho thấy chính sách tài khóa đang được quan tâm nhiều hơn như là động lực hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới, nhất là khi nguồn thu ngân sách thời gian gần đây liên tục vượt dự toán đề ra.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gần đây liên tục chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư công, đặc biệt tại các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Theo đó, yêu cầu các địa phương rà soát các dự án sử dụng nguồn vốn địa phương đã được phân bổ vốn nhưng không khả thi trong năm nay, kịp thời điều chuyển vốn sang các công trình khác để đảm bảo giải ngân, hiệu quả đầu tư. Các chuyên gia cũng cho rằng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong một hội nghị gần đây, Thủ tướng cũng nêu rõ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ khó; năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công lên đến 542.000 tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204.000 tỉ đồng) và nhiều hơn khoảng 110.000 tỉ đồng so với năm 2021, do ngoài vốn đầu tư trung hạn còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, đề cao hơn nữa trách nhiệm bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Điều này là cần thiết, vì theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31-7-2022 là 186.848 tỉ đồng, mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao. 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong khi đó, về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đến nay có 14/17 văn bản đã được ban hành với số vốn giải ngân thống kê sơ bộ chỉ mới đạt khoảng 48.000/301.000 tỉ đồng.

Ngoài tăng cường chi tiêu và thúc đẩy đầu tư công, Chính phủ cũng mạnh tay giảm thuế trong thời gian qua để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Có thể kể đến như Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,…

Đồng thời, Bộ Tài chính còn ban hành nhiều thông tư về giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Giảm 2% thuế suất GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% xuống còn 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm từ 50-70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn;…

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác.

Tuệ Nhiên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kiến nghị duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (15/08/2022)

>   Cần xem xét điều chỉnh lại các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp (14/08/2022)

>   Năm 2030, thu nhập của một người Việt Nam chỉ bằng Malaysia năm 2007 (12/08/2022)

>   Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo của Hải Dương (11/08/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (11/08/2022)

>   Bộ trưởng Bộ Công an: Sẽ xin chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân (10/08/2022)

>   Dự báo GDP năm 2022 tăng 7,5% có quá lạc quan? (10/08/2022)

>   355.000 tỉ vốn đầu tư 'nằm kho', Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình (09/08/2022)

>   2 nhóm vấn đề gì sẽ được Thường vụ Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 14 (09/08/2022)

>   WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.5% trong năm 2022 (08/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật