Chủ tịch Quốc hội: Cần bảo đảm tính khả thi, thống nhất của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng ý với nội dung dự án luật, cho rằng dự án Luật được chuẩn bị kỹ, lưỡng, công phu, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
|
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có bố cục 11 chương với 68 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tên gọi dự thảo Luật phù hợp với nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Kinh tế xin cho rằng tên gọi "Luật Dầu khí" đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi "Luật Dầu khí" để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn. Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn; dự thảo Luật có quy định về đầu tư dự án theo chuỗi, đề nghị bổ sung "dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ" vào phạm vi điều chỉnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh hoạt động dầu khí thượng nguồn có đặc thù về triển khai hoạt động và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vì vậy, cần thiết có quy định riêng tại Luật chuyên ngành.
Thực tế Luật Dầu khí hiện hành cũng đang xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động dầu khí thượng nguồn. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc. Việc thiết lập chuỗi giá trị dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến dầu khí được thực hiện thông qua công tác lập, triển khai quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan, bảo đảm tính tổng thể.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại Khoản 1 Điều 41 về nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
|
Theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung nào áp dụng Luật Dầu khí, nội dung nào áp dụng và nguyên tắc áp dụng các luật khác có liên quan...
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết để bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự Luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng: Quy định rõ tại Khoản 1 Điều 4 về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí.
Bổ sung quy định tại Khoản 2 về trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, tại các điều, khoản cụ thể, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa theo hướng quy định rõ những nội dung thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo rõ những vấn đề tiếp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí; chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu;…
Thảo luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với nội dung dự án luật, cho rằng dự án Luật được chuẩn bị kỹ, lưỡng, công phu, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại các chương, điều của dự án luật, đánh giá rõ hơn những tác động của luật, tính khả thi, sự thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung; rà soát, xử lý kỹ những vấn đề có thể vướng mắc, phát sinh khi luật được thông qua và thực thi, tránh tình trạng "thấy suôn sẻ thông qua, rồi lại thấy vướng, thấy mắc phát sinh khi thực thi trên thực tế".
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hũu quan chủ trì xây dựng, thẩm tra dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, nhất là các ý kiến đóng góp về tính chất đặc biệt, đặc thù của hoạt động dầu khí để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, tiếp tục đưa dự án Luật ra xem xét tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi được trình Quốc hội xem xét, quyết định./.
Nhật Quang
FILI
|