Thứ Bảy, 06/08/2022 08:20

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng: Công nhân điêu đứng

Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước thiếu đơn hàng nên gặp khó khăn trong xuất khẩu, từ đó kéo theo hàng loạt lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, thậm chí mất việc.

Mất việc hàng loạt

Hơn một tháng nay, chị Nguyễn Hồng Duyên, công nhân Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) chỉ làm việc theo giờ hành chính, không còn tăng ca. Trong tháng 7 vừa qua, công ty tiếp tục cho công nhân nghỉ phép vì đơn hàng sụt giảm. “Tăng ca, làm thêm giờ tuy có vất vả hơn nhưng bù lại người lao động có thêm thu nhập. Làm công nhân ai cũng muốn làm tăng ca để có thêm tiền chi tiêu cho gia đình”, chị Duyên nói và cho biết thêm, nếu dựa vào tiền lương thì không đảm bảo cho cuộc sống khi phải trả tiền cho con học, tiền trả nhà trọ, tiền xăng xe, chi tiêu ăn uống. Không tăng ca, mỗi tháng thu nhập của chị giảm gần 3 triệu đồng, rất khó nay càng khó khăn hơn.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Cty Teakwang Vina cho biết, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng bị giảm sút và từ nhiều tháng qua công ty không có nhiều đơn hàng mới. Vì vậy, đầu tháng 7 vừa qua công ty buộc phải thực hiện thông báo đến toàn thể người lao động tại các chi nhánh ở Đồng Nai, Mỹ Tho, Đắk Lắk về việc sắp xếp nghỉ phép trong năm 2022. Trường hợp người lao động đã sử dụng hết phép năm 2022 thì được lựa chọn một trong hai phương án là ứng trước phép của năm 2023 hoặc là nghỉ không lương.

Công nhân ngành gỗ tại TP Biên Hòa đang khó khăn do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: MT

Anh Nguyễn Thái Thuận (quê Thái Bình, làm việc tại Công ty gỗ Sofa Bình Dương) cho biết, công ty có khoảng 400 lao động nhưng phải nghỉ việc hơn một nửa vì thiếu đơn hàng. “Hơn một tháng trước, công ty thông báo cho trên một nửa lao động nghỉ việc không lương cho đến khi có đơn hàng mới. Vì khó khăn, những người bị cho nghỉ việc không lương đã phải đi tìm việc khác”, anh Thuận nói.

Gần hai tháng qua, chị Phan Thị Hà, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đại Đăng (Bình Dương) chỉ làm đủ 48 tiếng mỗi tuần, không tăng ca như trước và chỉ đi làm 4 ngày trong tuần. “Trước đây có làm tăng ca nên lương hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng giờ không tăng ca nên lương chỉ 5 triệu đồng/tháng”, chị Hà cho hay.

Anh Trần Văn Thanh, làm việc tại Công ty TNHH MTV Leather Master (Đồng Nai) cho biết, từ tháng 5/2022, công ty ít cho công nhân tăng ca do đơn hàng giảm, nên thu nhập của người lao động cũng giảm. “Gia đình tôi gồm 4 người, sống nhờ vào lương công nhân của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng”, anh Thanh cho hay. Với mức thu nhập này, vợ chồng anh phải chật vật tính toán sao cho đủ để nuôi hai con ăn học và chi tiêu đối mặt nguy cơ mất việc làm, không có thu nhập để đảm bảo đời sống.

Các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu, thậm chí không xuất khẩu được. Bà Võ Thị Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Graet Veca cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các DN sản xuất gỗ phục hồi rất nhanh và đã ký kết nhiều đơn hàng mới. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, đơn hàng đang giảm dần và DN giảm giờ làm dẫn đến thu nhập người lao động giảm mạnh.

Mong được tiếp sức

Trái ngược với sự khởi sắc như dịp nửa đầu năm 2022 khi có nhiều đơn hàng, hiện nay, gần như mọi hoạt động của DN đang chững lại.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, từ quý II/2022, nhiều DN ngành dệt may cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng. Cụ thể, đầu năm, các DN nhận rất nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động, không có người sản xuất. Nhiều nhà máy phải tìm chỗ gia công bớt. Bước sang quý II, chiến sự Ukraine, giá dầu tăng, dịch bệnh tác động đến thói quen tiêu dùng người dân nhiều nước. Sức mua áo quần, đồ thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng không ký kết hợp đồng mới, DN rất khó khăn.

“Một số nhà máy không có đơn hàng buộc phải tính toán phương án lao động như cho nghỉ thứ 7, công nhân nghỉ phép. Vitas đang tiến hành thống kê để có hướng hỗ trợ về sản xuất, đầu ra cho ngành, trong đó tập trung vào DN lượng đơn hàng giảm nhiều, tác động lớn tới công nhân” - bà Mai nói.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, không chỉ DN ngành điện tử, dệt may mà ngành gỗ, sản xuất thép... cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua các thị trường chính như Mỹ, châu Âu giảm. Thông thường, từ tháng 6 bắt đầu mùa làm hàng phục vụ trung thu, năm học mới, giáng sinh... nhưng năm nay tình hình khá trầm lắng.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều DN tại Bình Dương cho biết, nhà máy đang hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Các DN thông tin, do ảnh hưởng từ thị trường thế giới khó khăn, hiện nay lượng hàng tồn kho nhiều, thiếu đơn hàng, mặt khác một số nguyên liệu khó nhập về nên người lao động phải nghỉ việc luân phiên.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty U&I cho biết, hiện hoạt động thương mại giữa DN Bình Dương với thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang gặp khó khăn. Theo ông Tín, nhiều nhà máy đang hoạt động công suất thấp. “Dự báo tới đây, một số nhà máy của DN ngành gỗ có thể phải cho công nhân nghỉ việc 1-2 tháng vì hàng khó ra, nguyên liệu khó vào”, ông cho hay, đồng thời đề nghị các ngành chức năng dự báo đúng tình hình, có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với biến động.

Bà Phan Lê Diễm Trang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, các DN mong được “tiếp ô xy” để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất. “Hiệp hội Dệt may kiến nghị ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay; hỗ trợ DN chi phí thuê đất… để bớt gắng nặng trong bối cảnh nhiều DN phải hoạt động cầm chừng để giữ việc làm cho người lao động”, bà Trang nói.

MẠNH THẮNGHƯƠNG CHI-UYÊN PHƯƠNG

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Phục hồi du lịch: Khách nội quá tải, khách ngoại thưa vắng (06/08/2022)

>   Đã chuyển cơ quan điều tra 35 vụ việc gian lận, làm giá chứng khoán (05/08/2022)

>   Gần chạm mốc 10 tỷ USD, thế mạnh Việt bất ngờ 'rơi tự do' (05/08/2022)

>   Nhìn nhận những bất cập của thu phí không dừng (05/08/2022)

>   Giải ngân vốn đầu tư công thấp: Ai chịu trách nhiệm? (05/08/2022)

>   Giá xăng giảm giá cước vận tải chưa giảm: Doanh nghiệp vi phạm có thể bị thu phù hiệu (05/08/2022)

>   Khâu trung gian ăn lãi nhiều khiến người tiêu dùng phải mua hàng với giá đắt (04/08/2022)

>   Bộ Tài chính và chuyên gia kinh tế nói gì về tình trạng ''tăng nhanh giảm chậm'' (04/08/2022)

>   Mục tiêu và hướng phát triển lâu dài của Công ty cổ phần Hợp Nhất (04/08/2022)

>   ĐBSCL sắp có trung tâm logistics hạng II rộng 70 ha (04/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật