Thứ Năm, 04/08/2022 15:07

Đề xuất thuế xuất khẩu phân bón: Doanh nghiệp lo “hết cửa” xuất khẩu

Bộ tài chính hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng phân bón, tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất này.

Tổng công suất sản xuất phân bón trong nước đạt 29,25 triệu tấn.

Theo đó, dự thảo dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lo lắng mất lợi thế cạnh tranh và “hết cửa” xuất khẩu phân bón ra thế giới. Ông Nguyễn Nam Bình,  Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2022, Công ty có trên 80% sản lượng phân bón NPK chủ yếu là xuất khẩu nước ngoài.

“Biên lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón NPK chỉ khoảng 2-3% trên doanh thu, nếu áp thuế xuất khẩu công ty không thể tăng giá bán do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác, vì vậy nếu công ty phải gánh chịu thuế xuất khẩu 5% này, sẽ dẫn đến lỗ, từ đó không thể xuất khẩu được”, ông Nguyễn Nam Bình quan ngại.

Cùng quan điểm, Cty CP Phân bón Bình Điền mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 tấn phân các loại, trong đó xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào ổn định khoảng 100.000 tấn NPK/năm với thuế suất xuất 0%.

Với lợi thế cự lý vận tải xuất khẩu bằng đường sông, đường biển, doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu tại những thị trường này trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar...

Cụ thể, lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, hoạt động xuất khẩu giúp cho Công ty duy trì hoạt động ở mức công suất trên 50%, làm giảm chi phí cố định (chi phí khấu hao, quản lý,…), hạn chế tồn kho cao, thu được ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu nên tối ưu hóa nguồn vay ngân hàng từ USD lãi suất thấp hơn chi phí vay bằng VNĐ,… hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, do xuất khẩu nên Công ty được khấu trừ thuế GTGT hàng xuất khẩu khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng mất lợi thế cạnh tranh và “hết cửa” xuất khẩu phân bón ra thế giới.

“Nếu áp dụng chính sách thuế xuất khẩu từ 0% lên 5% thì sự cạnh tranh của NPK Bình Điền sẽ tiếp tục giảm mạnh, dự kiến sản lượng xuất khẩu có thể giảm đến 50-70%”, ông Ngô Văn Đông Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ.

Do đó, doanh nghiệp cho rằng, nếu sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm do mất đi khả năng cạnh tranh và xuất khẩu tại thị trường quốc tế thì mục tiêu “tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu” mà Bộ Tài chính đặt ra cho dự thảo Nghị định lần này lại chưa chắc đã khả thi trong trung hạn và dài hạn.

“Việc sản xuất phân bón phục vụ cho thị trường trong nước theo chỉ đạo chung vẫn luôn ưu tiên. Về phần xuất khẩu, tỉ trọng này chỉ chiếm một phần nhỏ so với năng lực sản xuất và so với lượng hàng hoá cung cấp cho thị trường nội địa nhưng rất quan trọng trọng việc nâng cao thương hiệu hàng hóa Việt Nam nói chung các sản phẩm phân bón nói riêng trên thị trường quốc tế và có vai trò to lớn trong việc ổn định việc làm cho hàng vạn lao động, phục hồi sản xuất, khai thác hết tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại trong đợt dịch Covid-19 những năm vừa qua”, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh trong công văn gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam mới đây.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhận định lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Cho dù lượng phân bón xuất khẩu tăng cao, nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, thì cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Do đó, chưa đủ cơ sở để phải ngừng xuất khẩu phân bón.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty CP SX & TMTH Cường Phát, nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông cho biết, bên cạnh phân bón SA và Kali đang nhập khẩu hoàn toàn, phân bón DAP và MAP nhập khẩu một phần thì phân lân và NPK được sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu của ngành trồng trọt.

Riêng với phân bón Urê, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã vượt xa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sản lượng phân bón Urê từ các nhà máy trong nước đã đạt 2,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ cần 2,2 triệu tấn.

Cùng với đó, quý 1 và đầu quý 2 là thời điểm vào vụ thu hoạch nên nhu cầu sử dụng phân bón chưa cấp thiết. Do đó, hoạt động xuất khẩu vẫn là cần thiết để điều tiết hài hòa giữa hoạt động tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.

Đặc biệt, về lâu dài, việc hạn chế xuất khẩu phân bón, trong khi sản xuất đang dư thừa sẽ tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, không nên tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón. Thậm chí, nếu không cho xuất khẩu thì việc kéo giá phân bón xuống là rất khó. 

Thy Hằng

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu thuỷ sản chững lại trong tháng 7, xuống dưới 1 tỷ USD (02/08/2022)

>   Nông sản xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu gần 6,3 tỷ USD (02/08/2022)

>   Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái Lan và Việt Nam giảm (31/07/2022)

>   Doanh nghiệp gạo rộng cửa xuất khẩu (30/07/2022)

>   Giá heo hơi ngày 28.7.2022: Đà giảm chưa dứt, có nơi mất 7.000 đồng/kg (28/07/2022)

>   Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, liên tục đột phá thị trường mới (28/07/2022)

>   Thuỷ sản đối diện áp lực chi phí và nguyên liệu (27/07/2022)

>   Xuất khẩu tôm gặp khó (27/07/2022)

>   Hiệp định ATIGA: Thách thức và cơ hội của ngành mía đường Việt Nam (25/07/2022)

>   Bắc Giang thu hơn 4.400 tỷ đồng nhờ bán vải thiều (24/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật