Hiệp định ATIGA: Thách thức và cơ hội của ngành mía đường Việt Nam
Một trong những thách thức lớn là vùng mía nguyên liệu đã sụt giảm nghiêm trọng, bên cạnh đó, ngành đường nội địa cũng thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu.
Nông dân trồng mía ở vùng mía Ninh Hòa, Khánh Hòa tất bật vào vụ thu hoạch. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
|
Doanh nghiệp mía đường nội địa được cho là đang đối mặt với nhiều khó khăn sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN, trong khi đó, ngành đường Việt Nam đang thiếu sức cạnh tranh với đường các nước, đặc biệt là từ Thái Lan.
Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn và lợi nhuận sụt giảm, nhưng cũng có doanh nghiệp vượt qua, vươn lên tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.
Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), vùng mía nguyên liệu đã sụt giảm nghiêm trọng, lượng đường sản xuất chỉ đáp ứng khoảng hơn 1/3 nhu cầu trong nước từ 2019 đến nay, phần còn lại phải nhập khẩu.
Niên vụ 2021-2022, sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Ở một số địa phương người dân bỏ mía, không chăm sóc, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.
Tuy nhiên, tại một số cánh đồng lớn của các nhà máy vẫn được đầu tư, chăm sóc. Nguyên nhân ngoài yếu tố thời tiết thì do giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, gian lận thương mại dù Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan.
Việc thiếu mía nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy đường đã phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy và nông dân trồng mía, gây bất ổn cho sự phát triển của ngành mía đường.
Từ 2018 đến nay, ngành đường nội địa đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.
Tháng 2/2021, sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương Việt Nam đã đánh giá thiệt hại của ngành đường trong nước và áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 48,88% đối với đường từ Thái Lan.
Đến tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá 42,99% và chống trợ cấp là 4,65%, tổng cộng hai loại thuế này là 47,64%, có hiệu lực ngay sau đó và thời hạn áp dụng là 5 năm.
Lũy kế đến cuối tháng Sáu, hầu hết các nhà máy đã hoàn thành vụ ép mía 2021/2022, toàn ngành ép được hơn 6,96 tấn mía, sản xuất được 873.000 tấn đường, tăng 27% so với mức thấp kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi áp thuế trên thì đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước Asean là Lào,Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam.
Tháng 9/2021, Bộ Công Thương có quyết định điều tra về việc lẩn tránh này và có kết luận đường nhập khẩu từ 5 nước Asean né thuế gây thiệt hại rõ ràng đối với ngành đường nội địa. Thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là đến 21/7/2022.
VCBS cho rằng Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng công bố kết quả cũng như mức thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ 5 nước Asean này trong thời gian sắp tới.
Theo VCBS, việc áp Thuế nhanh chóng tiến hành sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu, về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Thực tế, không chỉ đố diện với khó khăn do thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước nỗi lo giảm lợi nhuận do giá đường đi xuống. Giá đường trong nước đã giảm 8-10% so với mức đỉnh vào quý 3 năm ngoái.
Hiện tại, giá đường giảm nhẹ xấp xỉ 3% so với giá bình quân quý 2/2022, giá đường tại nhà máy xấp xỉ 17.250-17.700 đồng/kg.
Hiện, nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu tràn vào, khiến cho doanh nghiệp xuất sản phẩm dưới giá thành vẫn khó bán.
VCBS cho rằng, tâm lý các doanh nghiệp là đợi ban hành thuế chống lẩn tránh phòng vệ thương mại từ 5 nước Asean.
Lượng đường tồn kho của Việt Nam chỉ khoảng gần 370.000 tấn vào đầu tháng 7/2022. Số tồn kho này chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 2 tháng và tối đa chỉ kéo dài đến nửa tháng 9/2022.
VCBS nhận định, sản xuất đường chưa phục hồi trong niên độ tới 2022-2023 do diện tích vùng nguyên liệu ngày càng giảm nghiêm trọng.
Diễn biến giá đường trong nước phụ thuộc rất lớn vào chính sách phòng vệ thương mại của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngành đường.
Do vậy, VCBS kỳ vọng sớm áp thuế bảo hộ ngành đường nội địa giúp các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ vùng nguyên liệu cao được hưởng lợi.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Đối diện với khó khăn chung của ngành, có doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh khiến lợi nhuận giảm sút, nhưng cũng có doanh nghiệp tự tin với triển vọng lợi nhuận tăng trưởng cao.
Có thể lấy dẫn chứng từ kết quả kinh doanh 5 tháng của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS). Kết quả kinh doanh 5 tháng năm 2022 của doanh nghiệp cho thấy, riêng mảng đường có sản lượng 41.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu ước tính chỉ đạt 690 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe thu mua mía tại huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
|
Ở chiều ngược lại, dù đối diện với khó khăn chung của ngành, nhưng có những doanh nghiệp vẫn vượt qua, tìm cơ hội cho mình để tăng doanh thu và lợi nhuận.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đặng Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC Sugar-mã chứng khoán: SBT) cho biết niên độ 2021-2022, doanh thu công ty đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 900 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, kết quả này lần lượt vượt 18% và 36%.
TTC Sugar là doanh nghiệp đầu ngành mía đường, chiếm 46% thị phần cả nước. Với lợi thế về quy mô, hệ thống phân phối cũng như thương hiệu, đồng thời TTC Sugar cũng tăng cường mở rộng vùng nguyên liệu mía giúp doanh nghiệp tiếp tục giữ vững vị thế đầu ngành mía đường Việt Nam.
Hiện tại, doanh nghiệp sở hữu 66.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước là Việt Nam, Lào và Campuchia. Mục tiêu đến 2025, công ty mở rộng vùng nguyên liệu tại Australia lên đến 20.000 ha
Ông Đặng Thanh Ngữ nhận định, Australia là cường quốc số một trên thế giới về hiệu quả sản xuất mía đường nhưng số lượng nhà máy còn hạn chế. Dự kiến trong 3-5 năm tới, TTC Sugar sẽ đầu tư vùng nguyên liệu trồng mía và nhà máy sản xuất đường ở quốc gia này.
Hiện tại, công ty đang làm việc với đối tác, năm nay có thể đầu tư khoảng 1.000-3.000 ha mía. Tổng vốn đầu tư vào thị trường này có thể trên 100 triệu USD.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì vùng nguyên liệu nội địa, TTC Sugar đang có kế hoạch đẩy mạnh việc mở rộng quy mô, tham gia vào các thủ phủ mía đường trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tăng cường trao đổi kỹ thuật-công nghệ canh tác 4.0 với các đồng nghiệp trên khắp thế giới.
Theo một vài thống kê gần đây, nhu cầu đường của thị trường Việt Nam trên 2 tỷ tấn/năm. Với thực trạng của ngành đường Việt Nam như ở thời điểm hiện tại, dù TTC Sugar có sở hữu khoảng 65.000ha (20.000ha tự trồng và hơn 40.000ha liên kết với nông dân) cộng với vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp khác, cũng chỉ sản xuất được khoảng 800.000 tấn/năm. Vì vậy, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn đường.
Nhằm tạo ra bệ đỡ cho ngành đường Việt Nam, TTC Sugar từng mạnh dạng đầu tư mua lại nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào. Ngoài ra, trong cuối năm nay, TTC Sugar sẽ hoàn tất mua lại nhà máy đường của Ấn Độ ở Campuchia; cũng như sắp gặp Thủ tướng Australia xin phép được đầu tư nhà máy ở đất nước đứng thứ 3 thế giới về mía đường này.
Ba vùng trồng tại Lào-Campuchia-Australia, sẽ cung cấp nguyên liệu đường thô cho TTC Sugar-Việt Nam, để chúng tôi sản xuất thành thành phẩm phục vụ thị trường nội địa và cả xuất khẩu.
"Trong 2 năm qua, hoạt động xuất khẩu đường của TTC Sugar đã gây nhiều ấn tượng với ngành đường thế giới. Singapore không sản xuất nhiều trong quốc nội nhưng vẫn là cường quốc nên Việt Nam không cần trồng quá nhiều mía,vẫn có thể có ngành đường mạnh", Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) Đặng Văn Thành chia sẻ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành mía đường cũng giảm theo thị trường chung. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 22/7, SBT có giá 18.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30,6% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1). Các mã như QNS giảm gần 8%, LSS giảm hơn 35%, SLS giảm 8,8%./.
Văn Giáp
Vietnam+
|