Thu ngân sách tăng cao: Nên chia sẻ gánh nặng với dân và Doanh nghiệp
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ đã giúp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm bội thu. Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục giảm mạnh nhiều loại thuế, phí trong ngắn hạn để chia sẻ gánh nặng với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng.
Nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch đã giúp ngân sách 6 tháng đầu năm “bội thu” đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Dù Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm thuế lớn nhất từ trước tới nay (miễn giảm 120.000 tỷ đồng tiền thuế, phí) nhưng thu ngân sách vẫn tăng tới 230.000 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng ngân sách gần gấp đôi so với khoản tiền miễn giảm cho người dân, doanh nghiệp.
Giá xăng dầu tăng đã gián tiếp làm cho người nghèo đối mặt khó khăn nhiều hơn Ảnh: Như ý
|
Bộ Tài chính cho biết, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa có tiến độ thu khá so với dự toán. Hàng loạt khoản thu vượt dự toán như: thu nội địa tăng 16,4%. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu gần 158 nghìn tỷ đồng, tăng 28,3%. Thu từ dầu thô là một trong những khoản thu tăng đột biến. Trong nửa đầu năm 2022, với sản lượng khai thác 4,21 triệu tấn, giá dầu thô trung bình 100,4 USD/thùng (cao hơn 40,4 USD/thùng so với dự toán) đã góp phần giúp thu ngân sách từ dầu thô đạt 35.421 tỷ đồng, vượt 125% dự toán.
Các nguồn thu vượt dự toán lớn như thu tiền sử dụng đất đạt 108 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nửa cuối năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, chính sách thuế và trình cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
“Thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào sức khoẻ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách. Trong khi đó, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn trước bão giá. Doanh nghiệp khó khăn vì giá hàng hóa đầu vào tăng cao, đầu tư xây dựng cơ bản không có lãi, vận tải thua lỗ. Chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ổn định, phát triển”, Bộ trưởng Phớc đặt yêu cầu cho cán bộ ngành Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong lúc nền kinh tế suy giảm, đời sống người dân khó khăn, chính sách hữu hiệu nhất của Nhà nước là giảm thuế. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao đã góp phần giúp thu ngân sách đạt gần 70% kế hoạch. Số thu ngân sách tăng gần gấp đôi số tiền miễn giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp cho thấy, bước đầu yên tâm về nguồn lực tài chính.
Cần sớm giảm thuế để giảm giá xăng dầu
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm tăng 230.000 tỷ đồng, đủ để giúp thực hiện gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp và dự phòng rủi ro. Khi đã yên tâm về nguồn thu, cơ quan chức năng cần tính toán giải pháp hỗ trợ nhóm yếu thế như người nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
“Nguồn thu ngân sách dồi dào, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ quan chức năng cần sớm giảm giá xăng dầu thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng”, TS Việt kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đang thực hiện đề án theo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Ngoài ra, Vụ chính sách Thuế đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về Thuế giá trị gia tăng.
Chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, triển vọng phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm còn tiếp tục tăng. Khi nguồn thu dồi dào, Nhà nước nên mạnh dạn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng ảnh hưởng lớn tới người dân.
“Khi giảm giá xăng dầu sẽ kích cầu, giúp sản xuất tăng lên. Bộ Tài chính nên sớm đề xuất giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn”, ông Long kiến nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2021.
|
Ngày mai, giá xăng trong nước có thể giảm xuống 26.000 đồng/lít?
Số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, sau thời gian dài neo giữ ở mức cao, ngày 19/7, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore đã có mức giảm rất mạnh xuống 108 USD/thùng trong khi xăng RON 95 xuống còn 112 USD/thùng. Theo Bộ Công Thương, mức giá này tương đương giá nhập khẩu vào tuần cuối tháng 2/2022, thời điểm giá bán xăng ở mức 26.000 đồng/lít. Giá xăng thế giới giảm mạnh khiến người dân, doanh nghiệp kỳ vọng giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ có đợt giảm giá mạnh lần thứ ba liên tiếp sau khi Thuế Bảo vệ môi trường đã được giảm về 0 từ ngày 11/7.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, một số đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng có thể về mốc 26.000 đồng/lít, thậm chí xăng RON 92 được dự đoán sẽ giảm về 25.000 đồng/lít nhờ không phải chịu Thuế Bảo vệ môi trường và giá thế giới đang giảm mạnh.
Quỳnh Nga
|
Ngọc Linh
Tiền phong
|