Kho bạc Nhà nước: Đảm bảo ngân sách đến đúng đối tượng thụ hưởng
Góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát tốt các nguồn chi ngân sách nhà nước, đảm bảo các nguồn chi đến đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả cao từ nguồn vốn ngân sách.
Kiểm soát thanh toán trên 307.725 tỷ đồng vốn chi thường xuyên và đầu tư
Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thực hiện báo cáo tình hình chi phòng dịch bệnh Covid-19 hàng ngày để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, KBNN đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền các quy chế, quy trình, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống triển khai thực hiện kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn và hiệu quả; giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của KBNN các tỉnh, thành phố liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN, giúp cho hoạt động của hệ thống luôn thông suốt, không bị ách tắc.
Kho bạc Nhà nước chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện giải ngân vốn tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.
|
Định kỳ, đột xuất, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính về tình hình kiểm soát chi vốn đầu tư công, trong đó nêu rõ nguyên nhân chậm giải ngân, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Bên cạnh đó, KBNN đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan báo cáo phục vụ các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Với những giải pháp đã thực hiện, hết tháng 6/2022, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát khoảng 442.342 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN. Đồng thời, kiểm soát, giải ngân 156.100 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 26,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (582.987 tỷ đồng), bằng 24,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (626.536 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trong 6 tháng qua, KBNN đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) năm 2022 và quý I, II/2022 theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch, hiệu quả. Tổ chức điều hành NQNN tập trung trong toàn hệ thống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Thực hiện việc tạm ứng, cho vay NQNN cho NSNN, gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) theo phương án điều hành đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Chủ động tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo các giải pháp điều hành ngoại tệ đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán bằng ngoại tệ của NSNN.
Qua các hoạt động trên, công tác điều hành ngân quỹ của KBNN đã từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả đầy đủ, kịp thời cho các cấp ngân sách và các đơn vị mở tài khoản giao dịch tại KBNN ở mọi thời điểm.
Tiếp tục đảm bảo chặt chẽ, an toàn nguồn ngân quỹ
Theo dự báo, tình hình kinh tế trong nước và thế giới những tháng còn lại của năm vẫn còn nhiều khó khăn, gây thách thức lớn cho ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng. KBNN đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng còn lại để quyết liệt triển khai thực hiện, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý tài chính - ngân sách năm 2022.
Theo đó, ngoài việc tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai các đề án, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm năm 2022 theo đúng tiến độ đã đề ra, KBNN tiếp tục tổ chức quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công.
Thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến
Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống kho bạc nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và trung tâm hành chính; hoàn thiện các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng; đồng thời, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả cho công tác giám sát từ xa.
Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hoàn thành tích hợp 100% thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm triển khai của Kho bạc Nhà nước lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99% so với lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua TABMIS (không bao gồm khối an ninh, quốc phòng).
|
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN năm 2022, KBNN tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai việc mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Đồng thời, KBNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công năm 2022 để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp như hiện nay, với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, trong 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống KBNN tiếp tục chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán gửi KBNN, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm. Cùng với đó sẽ tiếp tục đôn đốc việc thu hồi vốn tạm ứng, thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo đúng quy định.
Đặc biệt, toàn hệ thống KBNN sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng lấy người dân, đơn vị sử dụng ngân sách làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị KBNN. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN.
Triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị KBNN trong hệ thống. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hệ thống KBNN.
Quản lý an toàn nguồn Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19
Với nhiệm vụ được giao là cơ quan tiếp nhận và quản lý Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tiếp nhận Cổng thông tin điện tử Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 từ Tập đoàn Sovico về Kho bạc Nhà nước vào ngày 22/3/2022. Kho bạc Nhà nước đã quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 theo Quyết định số
779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo việc chuyển tiền ủng hộ về Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, nhằm tập trung kịp thời các nguồn tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, đến 17h ngày 7/7/2022, có 651.367 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào quỹ với tổng số huy động vào quỹ là 9.170,59 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 69,8 tỷ đồng).
Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 đã chi 7.672,2 tỷ đồng, trong đó, chi mua và sử dụng vắc-xin 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ, nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 4,6 tỷ đồng. Hiện, số dư quỹ cuối ngày là 1.498,39 tỷ đồng.
|
Vân Hà
TBTCVN
|