Tại Mỹ, giá hàng hóa nào tăng mạnh nhất trong tháng 6?
Bộ Lao động Mỹ cho biết vào ngày thứ Tư (13/07) rằng giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở leo thang đã bào mòn ví tiền của người tiêu dùng trong tháng 6/2022, đồng thời đẩy lạm phát tiêu dùng tăng 9.1% so với cùng kỳ. Đây là mức lạm phát cao nhất trong gần 41 năm. Mỗi tháng, hộ gia đình chi hơn 50% túi tiền cho thực phẩm, năng lượng và nhà ở.
Dưới đây là những mặt hàng đã thúc đẩy lạm phát trong tháng 6, theo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ.
Thực phẩm
Giá hàng tạp hóa trong tháng 6 tăng nhanh nhất kể từ năm 1979, tăng 12.2% so với cùng kỳ năm trước.
Giá bơ thực vật vọt 34.5% trong tháng 6, tăng nhanh nhất kể từ năm 1975. Giá bánh hot dog tăng 16.3% trong tháng 6, tăng mạnh nhất kể từ cuối những năm 1970, khi mùa nấu nướng ngoài trời bắt đầu. Người mua bánh quy phải trả mức giá cao hơn 14.7% so với năm trước, trong khi giá bánh đông lạnh và các loại bánh ngọt khác tăng 17.2%.
Một số yếu tố là nguyên do giá hàng tạp hoá tăng vọt, bao gồm thời tiết, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các loại trái cây và gia cầm, cùng với đó là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cuộc xung đột đó đã làm gián đoạn sản xuất và buôn bán ngũ cốc và dầu trên toàn cầu, và hạn hán ở một số nơi trên thế giới đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Bộ Nông nghiệp Mỹ vào ngày 12/7 dự báo sản lượng lúa mì và hạt có dầu trên toàn cầu sẽ giảm trong năm tới.
Hàng tạp hoá chiếm 8.3% trong rổ hàng hoá tiêu dùng.
Nhà ở
Omair Sharif, Chuyên gia kinh tế và người đứng đầu công ty tư vấn Inflation Insights LLC, cho biết: Chi phí liên quan tới nhà ở đã nhảy vọt trong tháng 6/2022, khi giá thuê nhà tiến 5.8% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn so với mức tăng 5.2% hồi tháng 5/2022. Hàng tháng, giá thuê nhà đã tăng nhanh tại 16/23 khu vực thành phố lớn được khảo sát.
Đà tăng này có tác động cực kỳ lớn vì chi phí nhà ở đã chiếm gần 31% ngân sách trung bình hàng tháng của hộ gia đình, được thể hiện trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Lạm phát nhà ở khó có thể giảm sớm. Sự gia tăng lãi suất thế chấp từ năm ngoái, cùng với việc giá nhà ở leo dốc trong thời gian đại dịch, đã khiến việc mua nhà trở nên ngoài tầm với với nhiều người. Điều này gây thêm áp lực lên giá thuê nhà khi ngày càng nhiều người chọn thuê nhà.
Năng lượng
Giá tại các trạm bơm nhiên liệu và hoá đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 6/2022, khiến giá năng lượng tháng 6 leo dốc 41.6% so với cùng kỳ năm trước, mức leo dốc cao nhất kể từ năm 1980, khi nền kinh tế Mỹ lao đao vì cú sốc dầu mỏ sau Cách mạng Iran.
Giá xăng tháng 6 tăng 11.2% so với tháng trước và vọt 59.9% so với cùng kỳ năm ngoái, khi giá dầu thô cao ngất và tình trạng thiếu công suất lọc dầu đã khiến giá tại các trạm bơm nhiên liệu lên mức cao kỷ lục. Khí thiên nhiên sử dụng trong gia đình tăng 8.2% trong tháng 6, trong khi giá điện chỉ tăng 1.7%, khi cuộc chiến Ukraine tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung khí thiên nhiên và việc sử dụng máy điều hoà vào mùa hè cũng tăng.
Hàng hoá và dịch vụ năng lượng gộp chung tăng 8.7% trong rổ chi tiêu trung bình của người tiêu dùng vào tháng 6/2022.
Giá xăng bắt đầu hạ nhiệt trong tháng 7, có thể được công bố trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7, dự kiến công bố vào tháng tới. Giá bình quân trên toàn quốc vào ngày thường (13/7) là 4.63 USD/thùng, giảm từ mức cao 5.02 USD/oz ghi nhận vào ngày 14/6, theo AAA.
Những mặt hàng bị xuống giá
Giá vé máy bay lùi 1.8% trong tháng 6 so với tháng 5, và giá khách sạn giảm 2.8% - mặc dù trên cơ sở theo năm, chúng lần lượt tăng 34.1% và 10%.
Giá điện thoại thông minh sụt 20% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá tivi mất 12.7%. Tại các cửa hàng tạp hoá, giá bò bít tết chưa nấu chín trong tháng 6 đã giảm 0.3% so với cùng kỳ năm trước, sau gần 1 năm tăng ở mức 2 chữ số.
An Trần (theo WSJ)
FILI
|