Giá nhà Trung Quốc giảm 10 tháng liên tiếp khi khủng hoảng bất động sản leo thang
Giá bất động sản Trung Quốc giảm tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 6/2022, qua đó cho thấy những nỗ lực của Chính phủ chưa thể xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc.
Giá nhà ở mới ở 70 thành phố - loại trừ nhà ở có trợ cấp từ Chính phủ - giảm 0.1% so với thán 5/2022, số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy trong ngày 15/07. Doanh số bán nhà giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã yếu bớt.
Thị trường bất động sản 2.4 ngàn tỷ USD của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, càng gây thêm áp lực cho một nền kinh tế tăng trưởng yếu ớt trong quý 2/2022. Tác động từ bất động sản đang lan truyền ra cả hệ thống tài chính, sau khi xuất hiện nhiều thông tin cho biết hàng loạt người mua nhà từ chối trả khoản vay thế chấp với các căn hộ hình thành trong tương lai. Điều này khiến nhà đầu tư thận trọng, ra tay nhấn chìm trái phiếu bất động sản và cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc.
Doanh số bán căn hộ giảm 23% trong tháng 6/2022, yếu hơn mức giảm 42% trong tháng 5/2022, thời điểm nhiều thành phố thoát khỏi các biện pháp kiểm soát Covid-19.
Tuy nhiên, triển vọng hồi phục của thị trường bất động sản đang trở nên mù mờ, khi người mua nhà từ chối trả khoản vay thế chấp và xuất hiện đợt bùng dịch khác. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm 12 tháng liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ khi Trung Quốc hình thành thị trường bất động sản tư nhân vào cuối thập niên 90.
Bắc Kinh họp khẩn cùng các nhà băng do lo ngại ngày càng nhiều người vay mua nhà ngừng trả nợ với các dự án bị đình trệ.
Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Nông thôn Trung Quốc đã gặp các cơ quan quản lý tài chính cùng nhiều ngân hàng lớn của nước này để thảo luận về vấn đề người mua nhà từ chối trả nợ. Giới chức Trung Quốc đang lo ngại thêm nhiều người vay mua nhà có hành động tương tự.
Theo nguồn tin này, giới chức đã yêu cầu các cơ quan giám sát địa phương và ngân hàng báo cáo tác động và liệt kê các dự án bất động sản bị ảnh hưởng trong khu vực quản lý của họ. Một số ngân hàng đã có kế hoạch thắt chặt tiêu chí cho vay tại các thành phố có rủi ro cao.
Theo số liệu của China Real Estate Information, người mua nhà đã ngừng thanh toán các khoản vay tại ít nhất 100 dự án ở hơn 50 thành phố từ hôm 13/07. Như vậy, nếu so sánh với dữ liệu của Jefferies Financial Group, con số này tăng nhanh chóng so với chỉ 28 dự án ngày 11/07 và 58 dự án ngày 12/07.
Các ngân hàng Trung Quốc đã chỉ rõ hiện 2.11 tỷ Nhân dân tệ nợ vay gặp nguy cơ khi người mua nhà từ chối thanh toán. Trong phần lớn trường hợp, lượng nợ xấu chiếm chưa tới 1% trong tổng danh mục cho vay thế chấp của ngân hàng. Dù vậy, GF Securities dự báo có tới 2 ngàn tỷ Nhân dân tệ khoản cho vay thế chấp có thể bị tác động.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang bước sang giai đoạn mới, với làn sóng bán tháo trái phiếu lan sang các công ty từng được xem là an toàn, bao gồm Country Garden Holdings – công ty xây dựng lớn nhất về doanh số.
“Số lượng trong danh sách không được thanh toán tăng gấp đôi qua từng ngày”, Shujin Chen, Chuyên viên phân tích tại Jefferies Financial Group, cho hay. “Vụ việc này sẽ hủy hoại niềm tin của người mua nhà, nhất là với các sản phẩm hình thành trong tương lai do các nhà phát triển bất động sản tư nhân cung cấp”.
Các chuyên viên phân tích tin rằng sự suy giảm về giá nhà có thể là một yếu tố thôi thúc người mua từ chối thanh toán các khoản thế chấp. “Nhà đầu tư đang lo ngại về tình trạng lượng người không trả nợ ngày càng tăng (đơn giản là vì giá bất động sản giảm) cũng như tác động của chúng tới doanh số bất động sản”, Chen viết.
Mặc dù lượng nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc vẫn “đang trong tầm kiểm soát” tại thời điểm này, nhưng các sự kiện rủi ro có thể xảy đến trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, kỳ vọng thu nhập tương lai suy giảm và doanh số bất động sản lao dốc”, Chen cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|