Nhà bị giao chậm, người mua nhà Trung Quốc dừng trả nợ ngân hàng
Cuộc khủng hoảng tiền mặt khiến các tập đoàn địa ốc Trung Quốc không thể bàn giao nhà đúng hạn. Do đó, ngày càng nhiều khách hàng từ chối thanh toán khoản vay thế chấp.
Theo Bloomberg, trên khắp Trung Quốc, người mua nhà đã từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ngân hàng. Nguyên nhân là những nhà phát triển bất động sản chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án nhà ở. Điều này có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng bất động sản và rủi ro nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, theo các nhà phân tích của Citigroup Inc. - dẫn đầu là chuyên gia Griffin Chan, người mua của 35 dự án ở 22 thành phố của Trung Quốc đã quyết định ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp kể từ ngày 12/7. Nguyên nhân là những dự án nhà ở bị chậm tiến độ và giá nhà lao dốc.
Việc Bắc Kinh siết tín dụng khiến nhiều tập đoàn địa ốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt và không thể hoàn thành các dự án đúng hạn. Ảnh: Reuters.
|
Khủng hoảng tiền mặt
Hơn một năm sau khi Bắc Kinh siết tín dụng bất động sản, lĩnh vực này vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Giới quan sát cảnh báo "cơn bão" đang càn quét tầng lớp trung lưu của đất nước và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định xã hội.
Các ngân hàng Trung Quốc vốn đang phải đối phó với những thách thức do gánh nặng thanh khoản của ngành công nghiệp bất động sản. Giờ, họ lại chịu thêm sức ép từ các khoản nợ xấu của người mua nhà.
Theo ông Chan, khi các khách hàng không trả nợ, khoản nợ xấu có thể lên tới 561 tỷ nhân dân tệ (83 tỷ USD), chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ thế chấp.
Theo ông, có thể kiểm soát được tác động tổng thể đối với các ngân hàng, nhưng những tổ chức tín dụng quốc doanh - bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi các khoản vay thế chấp. Những nhà băng này cũng chịu ảnh hưởng khi niềm tin của nhà đầu tư suy yếu.
Trên sàn Thượng Hải, giá cổ phiếu của Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc đã lao dốc 3,3%, trong khi cổ phiếu của ICBC ghi nhận mức giảm 2%. Chỉ số chính của nhóm ngân hàng Trung Quốc cũng sụt giảm 2,7%, ngưỡng cao nhất kể từ ngày 25/4.
Theo cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, đối với các ngân hàng nước này, tỷ lệ nợ xấu của các khoản vay thế chấp thấp hơn nhiều so với những hình thức cho vay khác.
Tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, vào tháng 12, tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay thế chấp nhà ở chỉ 0,2%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng khoản vay là 1,42%.
Tác động kéo dài
Hôm 12/7, một chỉ số của Bloomberg đo lường các trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Trong khi đó, chỉ số đối với những trái phiếu nội địa của các tập đoàn địa ốc, bao gồm Gemdale Corp. và Country Garden Holdings Co, cũng ghi nhận ngưỡng thấp kỷ lục.
Trong tháng 5, giá nhà tại Trung Quốc đã chứng kiến tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Điều đó cho thấy nhu cầu vẫn yếu bất chấp sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh.
Giá nhà tại Trung Quốc tăng phi mã trong vài thập kỷ qua. Bắc Kinh đã bắt đầu để mắt tới ngành công nghiệp này vào năm 2016. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Nhà để ở, không phải đầu cơ". Nhưng phải đến năm 2020, cơn bão quy định mới càn quét lĩnh vực này.
Làn sóng quy định giáng đòn vào ngành công nghiệp địa ốc và đẩy China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - vào cảnh vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng tiền mặt còn khiến doanh nghiệp bất động sản không thể hoàn thành các dự án nhà ở và giao nhà đúng hạn cho khách hàng.
Chine Evergrande còn gần 800 dự án chưa hoàn thành vì thiếu tiền trả cho các nhà thầu, nhà cung cấp và nhân viên. Ảnh: Reuters.
|
Điều đó làm xói mòn niềm tin của người mua nhà. Năm ngoái, khách mua nhà của China Evergrande đã tập trung trước trụ sở của tập đoàn để đòi lại khoản tiền trả trước. Gần 800 dự án của tập đoàn vẫn chưa được hoàn thành, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp bất động sản cũng chịu ảnh hưởng khi triển vọng kinh tế xấu đi vì tác động của làn sóng Covid-19. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.
Đây là dòng phụ hoàn toàn mới của BA.5 và Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận. Đến nay, đất nước 1,4 tỷ dân đã áp dụng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế di chuyển với khoảng 30 triệu người.
Thảo Phương
ZING
|