Thứ Ba, 12/07/2022 15:44

Quan chức Fed cảnh báo về hậu quả của việc nâng lãi suất quá nhanh

Esther George, Chủ tịch Fed khu vực Kansas, cảnh báo rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá vội vã có thể phản tác dụng. Trong tháng trước, bà cũng phản đối nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

“Việc truyền tải lộ trình nâng lãi suất có thể có tác động mạnh hơn cả tốc độ nâng lãi suất”, bà nói trong ngày 11/07, đồng thời cảnh báo nâng lãi suất quá nhanh có thể gây phản tác dụng.

Esther George, Chủ tịch Fed khu vực Kansas

George cho biết bà hiểu mong muốn nâng lãi suất nhanh chóng để dập tắt “ngọn lửa” lạm phát, nhưng lo ngại điều này sẽ gây hại nhiều hơn thay vì mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

“Fed đã nâng lãi suất quá nhanh, trong khi các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể khó thích nghi với đà tăng của lãi suất. Việc nâng lãi suất quá nhanh có thể gây ra căng thẳng cả trong nền kinh tế lẫn thị trường tài chính”, bà nói. “Cùng với đó, tôi thấy thật kinh ngạc vì chỉ 4 tháng sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất, ngày càng nhiều chuyên gia lo ngại về rủi ro suy thoái và thậm chí còn dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trở lại ngay trong năm 2023”.

Tuy vậy, phần lớn quan chức Fed vẫn ủng họ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7/2022 và thị trường đã dự báo trước về điều này.

Thống đốc Fed Christopher Waller tin rằng việc tăng lãi suất là cần thiết nếu điều này có thể đáp ứng kỳ vọng của thị trường, nhất là trong nhiệm vụ chống lạm phát.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng 75 điểm cơ bản vào giữa tháng 7, có thể tăng thêm 50 điểm vào tháng 9. Sau đó, chúng ta có thể xem xét tình hình thị trường để cân nhắc giảm xuống mức tăng 25 điểm”, ông Waller chia sẻ với Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia. “Nếu mức lạm phát tiếp tục không giảm, chúng tôi có thể sẽ phải làm hơn thế nữa”.

Trước đó vào tháng 6 này, Fed đã tăng 75 điểm cơ bản, đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Việc tăng lãi suất là một nỗ lực để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là khi chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ năm 1981.

Ông Waller bổ sung: “Có thể so sánh lạm phát như một loại thuế đánh vào các hoạt động kinh tế. Thuế càng cao thì nền kinh tế càng bị kìm hãm. Nếu chúng ta không kiểm soát được mức lạm phát thì nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả tồi tệ".

Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực St.Louis, James Bullard cũng đồng tình với các ý kiến trên. Chủ tịch của St.Louis tin rằng cách tốt nhất là tăng lãi suất ngay bây giờ rồi sau đó đánh giá các tác động của nó. Trong một bài phát biểu, ông hoàn toàn ủng hộ việc tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản vào thời điểm này.

“Tôi cũng đồng ý với việc đẩy mức lãi suất lên khoảng 3.5% vào cuối năm nay. Sau đó chúng ta có thể đánh giá lại thị trường và xem việc kiểm soát lạm phát có tiến triển như thế nào vào thời điểm đó”, ông nói.

 

Chủ tịch Fed Atlanta: Kinh tế Mỹ đủ sức chống chọi một đợt tăng mạnh lãi suất

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Atlanta Raphael Bostic nhận định kinh tế Mỹ có đủ sức chống chọi nếu Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của ông đối với phương án tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tới.

“Tôi hoàn toàn tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta đủ sức vượt qua một đợt tăng lãi suất mạnh trong cuối tháng này. Tôi ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm”, ông nói.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ quyết liệt tăng lãi suất trong năm nay nhằm sớm hạ nhiệt lạm phát đạt đỉnh bốn thập kỷ, dù thừa nhận rằng điều đó có thể kéo giảm tăng trưởng và làm suy yếu thị trường lao động.

Trong tuần trước, ông Bostic cũng bày tỏ quan điểm “hoàn toàn” ủng hộ phương án Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng này. Ông cho biết việc Fed có thể tăng lãi suất lên ngưỡng trung lập 3% mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Thái Lan duyệt quy hoạch thành phố thông minh trị giá gần 36 tỷ USD (12/07/2022)

>   Bloomberg: Các nền kinh tế mới nổi đứng trước làn sóng vỡ nợ mới (11/07/2022)

>   Các nhà máy Trung Quốc khốn đốn khi nhu cầu tại Mỹ và châu Âu suy giảm (11/07/2022)

>   Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại (10/07/2022)

>   Rủi ro với kinh tế Nhật Bản sau khi cựu Thủ tướng Abe qua đời (08/07/2022)

>   NHK: Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời (08/07/2022)

>   Kinh tế Anh trong cơn "cuồng phong" giữa lúc Thủ tướng từ chức (08/07/2022)

>   Chánh Văn phòng nội các Nhật xác nhận cựu Thủ tướng Abe bị bắn, tình trạng chưa được xác định (08/07/2022)

>   Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ (08/07/2022)

>   Kim ngạch thương mại toàn cầu đạt kỷ lục trong quý 1 năm 2022 (08/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật