Room tín dụng tiếp tục chờ…
Như thông lệ, hạn mức (room) tín dụng NHNN cấp cho các NHTM năm nào cũng mở vào đầu năm, sau đó lại phải có các đợt mở thêm cho các NH bị thiếu. Năm nay đề nghị nới room còn đến sớm hơn, mới đầu quý II đã có NH đề xuất nới room, tuy nhiên cho đến nay vẫn đang trong trạng thái chờ vì NHNN đang cân nhắc nhiều vấn đề.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
|
NHTM gọi, NHNN chưa trả lời
Tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN mới đây, các NH đã đồng loạt xin nới room tín dụng. Nguyên nhân, như đại diện MB chia sẻ NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời cho NH này 15%, nhưng đến cuối tháng 3 đã sử dụng gần hết.
Hay tại Vietcombank, room tín dụng được cấp chính thức 10% (còn tăng trưởng tín dụng dự kiến cả năm 15% tùy thuộc NHNN), nhưng đến hết quý I đã tăng 7% và đến 29-4 đạt 8,8%, tức đã gần chạm hạn mức được cấp. Phía BIDV cũng không ngoại lệ, mức room tín dụng được cấp cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, gây khó khăn cho NH.
NHTM kêu ca về room tín dụng bởi nhu cầu cho vay tăng rất mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch. Nhìn lại năm 2021, trong quý I, VietinBank gần như không tăng trưởng tín dụng, BIDV tăng 1,6%, Vietcombank tăng 3,8%. Thế nhưng quý I-2022, tăng trưởng tín dụng tại VietinBank đạt tới 8,7%, Vietcombank đạt 7,1%, BIDV đạt 4,7%.
Trong khi đó, nhóm NH tư nhân còn tăng trưởng tín dụng nóng hơn, như MB tăng 14,3%, VPBank tăng 10,3% tại NH riêng lẻ, HDBank tăng 10,8%; SCB tăng 9,7%; SeABank tăng 9,2%; MSB tăng 8,9%, Techcombank tăng 7,9%... Số liệu của NHNN cũng cho biết, đến ngày 9-6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ 2021. Tại TPHCM, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng 9,3% so với cuối năm 2021.
Dẫu vậy, NHNN vẫn chưa mở cửa đối với room tín dụng cho các nhà băng. Trong một cuộc họp giữa tháng 6, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết số liệu thống kê của NHNN 3 năm trở lại đây cho thấy room tín dụng các NHTM đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.
Nếu đáp ứng theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NHTM, tiền đổ vào nền kinh tế nhiều, áp lực lạm phát lớn. Hơn nữa, nếu các TCTD chạy đua tăng lãi suất huy động để có thêm vốn cho vay, lãi suất huy động tăng, sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, rủi ro nợ xấu gia tăng…
Thực tế hiện nay NHNN đang trong thế khó. Chính phủ đã có phương án triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi 2% đến hết năm 2023, thông qua các NHTM để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... tiếp cận vốn NH với lãi suất ưu đãi. Song NHNN phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để kiểm soát lạm phát.
Hiện lạm phát thế giới rất cao, các NHTW trên thế giới đang phải mạnh tay áp dụng biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Áp lực lạm phát với Việt Nam rất lớn, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu vì độ mở nền kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 190% GDP.
Trong bối cảnh này, bài toán đặt ra với cơ quan quản lý ngành NH là phải xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.
Trạng thái chờ vẫn tiếp diễn?
Tuy nhiên, bắt bệnh và kê toa bằng việc “đóng cửa” thông qua nhiều giải pháp trong đó có room tín dụng đang gây khó khăn cho các NHTM. Giải pháp trong lúc này cho các NHTM, theo Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, là xem xét lại khẩu vị rủi ro, cơ cấu lại chất lượng tín dụng.
Vậy thay đổi khẩu vị thế nào trong lúc này? Thông thường, NHTM hết hạn mức không cho vay được có thể đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song hiện nay, kênh đầu tư này đang chững lại do khối lượng phát hành giảm sau sự cố TP của Tân Hoàng Minh. Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến ngày 24-6, giá trị phát hành TP ra công chúng 8.996 tỷ đồng, giảm 6,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị phát hành TP riêng lẻ 143.389 tỷ đồng, giảm 29,7%.
Để tìm đầu ra cho dòng tiền và thu về lợi nhuận, nhiều NH tư nhân đã bắt đầu giảm tỷ lệ cho vay bán buôn, tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và hoạt động tài chính tiêu dùng để tăng biên lãi ròng.
Một vài NH mạnh về công nghệ tăng thu ngoài lãi bằng cách lấn sân sang phân khúc khách hàng Millennials (những người sinh trong khoảng 1980-2000, là lực lượng lao động nòng cốt của hiện tại và tương lai) và khách hàng gen Z (những người sinh sau năm 1996, còn được gọi là thế hệ của thời đại số), là các nhóm khách hàng có khoản chi mỗi ngày lớn nhất. Trước đây, các công ty fintech đi vào ngách này nhưng nay nhiều NH cũng đang cạnh tranh, trong bối cảnh không bơm tín dụng ra thị trường do vướng chốt chặn hạn mức.
Tìm nhiều cách để cải thiện lợi nhuận song chờ đợi được nới room tín dụng vẫn là mong mỏi lớn nhất của các nhà băng trong lúc này, vì thu nhập ngoài lãi chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong lợi nhuận của các NH. Hiện đã có tổ chức đưa ra dự báo việc tín dụng chỉ tăng trưởng nhẹ so với quý trước sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành NH trong quý II. Tuy nhiên, tín hiệu mở room vẫn chưa rõ ràng.
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay, nếu mức tăng tín dụng gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP là hợp lý. Cũng tức là với mức tăng trưởng GDP 6,5%, tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% là phù hợp. Hiện tín dụng đã tăng hơn 8%, phần tăng trưởng tín dụng còn lại của nửa cuối năm 5-6%.
Con số này tuy ít nhưng nếu tính trên quy mô tổng tín dụng toàn nền kinh tế lên đến 12 triệu tỷ đồng sẽ rất lớn. NHNN cần điều hành tốt nguồn tín dụng này, nắn dòng tín dụng đi vào đúng hướng, đúng mục đích, kiểm soát chặt vốn đi vào các lĩnh vực rủi ro để đạt mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế năm nay.
Nới room chắc chắn NHNN sẽ phải làm vì áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế trên vai các NHTM vẫn đang rất nặng. Nhưng khi nới room, điều quan trọng là kiểm soát dòng tín dụng để không chệch mục tiêu.
|
Đỗ Linh
SGĐTTC
|