Thứ Hai, 11/07/2022 10:13

Điều hành tiền tệ và kiểm soát lạm phát: Thế gọng kìm cho Việt Nam

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ đẩy Việt Nam rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế, đã buộc phải thắt chặt lại do nguy cơ lạm phát cao.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

Fed sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay

Tháng 3 Fed nâng lãi suất cơ bản lên thêm 0,25% sau 4 năm đứng ở mức gần 0%. Đến ngày 4-5 Fed tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,5%, đẩy lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 0,75-1%. Để đối phó với lạm phát, hôm 15-6 Fed đã nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, nâng lãi suất tham chiếu lên 1,5-1,75%.

Theo Goldman Sachs, Fed có thể nâng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm trong tháng 9, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và 12. Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên 3,25-3,5% vào cuối năm nay.

Với dự báo Fed còn nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022, rõ ràng thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ đã chấm dứt và dòng tiền giá rẻ nhằm phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 sẽ không còn nữa. Tình hình lạm phát tại Mỹ lên tới 8,5% trong tháng 3 và 8,6% trong tháng 5, đi đôi với những dự báo ngày càng nhiều về triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng, càng khiến Fed ít do dự hơn, thậm chí quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất cũng như biên độ mỗi lần tăng lãi suất.

Có ý kiến cho rằng sự chậm trễ trong điều chỉnh lãi suất của Fed đã khiến lạm phát tại Mỹ nóng nhất trong vòng 40 năm gần đây, và tăng lãi suất đột ngột với biên độ lớn làm nền kinh tế lao đao, thậm chí sớm rơi vào suy thoái.

Song việc tăng lãi suất của Fed giai đoạn hiện nay giống như con dao 2 lưỡi, khi kinh tế Mỹ và phần lớn quốc gia trên thế giới đang chịu tác động mạnh bởi yếu tố địa chính trị như cuộc chiến ở châu Âu, kèm theo các biện pháp trừng phạt kinh tế vô tiền khoáng hậu, và việc nhiều nước phát triển đảo chiều chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt cũng như chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc, đều làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn cung thu hẹp và giá cả leo thang.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền bị thu hẹp và chuyển hướng cùng với tiền “tăng giá” (lãi suất tăng), rất có thể là giọt nước tràn ly khiến cho suy thoái kinh tế xuất hiện. Hơn nữa, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ không hiệu quả, tình trạng đình lạm - suy thoái kèm theo lạm phát cao - là không thể tránh khỏi.

4 tác động đến Việt Nam

Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc Fed tăng lãi suất nói riêng và các nước phát triển thắt chặt tiền tệ nói chung. Sẽ có 4 tác động điển hình:

Thứ nhất, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Theo đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể gặp khó khăn hơn, hay ít nhất là cũng không thể tăng hàng năm ở mức 2 con số như những năm gần đây; trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Lợi thế của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ do phần lớn là hàng hóa thiết yếu, thậm chí có lợi đáng kể khi lạm phát ở Mỹ tăng cao. Tuy vậy, điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với bối cảnh lạm phát và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ là cần thiết và cấp bách.

Thứ hai, Fed tăng lãi suất có thể khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể tăng chậm lại, hay ít nhất là khó tăng trưởng như những năm trước đại dịch Covid-19.

Do đó, nguồn lực đầu tư chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam có thể co hẹp lại. Tuy nhiên, mức độ co hẹp không đến mức quá lo ngại khi các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore, không phải từ Mỹ hay châu Âu. Hơn nữa, triển vọng thu hút vốn FDI còn phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thứ ba, Fed và các NHTW nhiều nước quyết định và dự định tăng lãi suất, sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng của Việt Nam, khi nền kinh tế Việt Nam “lệch pha” so với phần lớn các nước trên thế giới. Nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm đi đôi với lạm phát cao nên phải hạ lãi suất để phục hồi tăng trưởng, rồi lại buộc phải tăng lãi suất đối phó lạm phát.

Nền kinh tế Việt Nam lại tăng trưởng tuy ở mức thấp đi kèm với lạm phát cũng ở mức thấp. Theo đó, năm 2022 Việt Nam dự định nới lỏng chính sách tiền tệ và nỗ lực hạ lãi suất, kể cả hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế, cơ hội lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt.

Việc các quốc gia tăng lãi suất có thể làm cơ hội giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát ở mức thấp của Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể, đặc biệt khả năng nhập khẩu lạm phát đang tăng trở lại bên cạnh lạm phát do cầu kéo cũng có dấu hiệu quay lại.

Thứ tư, Fed nâng lãi suất đã khiến USD lên giá so với hầu hết đồng tiền chủ chốt khác. Theo đó, VNĐ cũng chịu áp lực mất giá sau 2 năm liên tiếp lên giá trên dưới 1% so với USD. Chỉ số USD-Index hồi đầu tháng 5 đã lên trên 100 điểm, chứng tỏ khả năng USD lên giá trên toàn cầu gần như chắc chắn.

Nếu VNĐ mất giá so với USD sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, song lại thiệt hại lớn hơn nhiều do VNĐ mất giá sẽ khuếch đại nhập khẩu lạm phát. Nói cách khác, nếu USD lên giá so với VNĐ ngay trong năm 2022, Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế thì đã buộc phải thắt chặt do nguy cơ lạm phát cao.

Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong “tam giác bất khả thi” giữa dòng vốn nước ngoài - lãi suất - tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế “lệch pha”, mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất.

TS. Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Sacombank là ngân hàng có hoạt động ngoại hối và thị trường vốn tốt nhất Việt Nam năm 2022 (11/07/2022)

>   Ngân hàng Nhà nước rút về thêm gần 100.000 tỷ đồng (10/07/2022)

>   Hiệp hội Ngân hàng sửa điều lệ để phù hợp với các quy định của pháp luật (09/07/2022)

>   Giá USD chinh phục đỉnh mới (08/07/2022)

>   Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn (OCB): Doanh nghiệp phát hành trái phiếu miễn là nói thật, làm thật thì không có gì phải sợ (08/07/2022)

>   Maybank: NHNN tăng lãi suất không cản trở kinh tế phục hồi (08/07/2022)

>   IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh nhưng vẫn cần linh hoạt ứng phó với sức ép rủi ro đang tăng (08/07/2022)

>   Ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính tiếp sức cho nhà bán lẻ  (07/07/2022)

>   IMF: 'Việt Nam cần đẩy mạnh kiểm soát rủi ro khi cấp tín dụng địa ốc' (07/07/2022)

>   Tính đến hết ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,35% (06/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật